Dựng tượng Bác trên núi cao
Lên vùng núi Bắc Trà My (Quảng Nam), vô cùng ngỡ ngàng vì nằm chênh vênh trên một đồi núi cao là một tượng đài Bác Hồ cùng nhà lưu niệm Bác được gầy dựng rất công phu. Ngỡ là công trình của chính quyền, hỏi ra mới hay, toàn bộ được tạo dựng bởi vợ chồng một người lính già đã về hưu. Đó là gia đình thiếu tá về hưu Tử Vi Dân (tên khai sinh là Võ Như Thông).
|
Nghe khách hỏi chuyện về nhà lưu niệm và tượng đài Bác Hồ, ông vồn vã sai con cháu pha trà, còn ông thì dắt khách đi giới thiệu từng nơi, từng nơi rất chi tiết, ngọn ngành. Đó là một bức tượng Bác làm bằng đá Non Nước cao khoảng 1,6m được chạm khắc rất tinh tế, đặt trang trọng trên một đài xây bằng đá xanh cao gần 2m rất vững chãi. Nhìn bức tượng cũng thấy được hết sự công phu và trau chuốt của người tạo dựng nên bức tượng. “Để đưa được bức tượng này từ nơi chế tác lên đến trên vùng núi này, tôi đã phải rất khó khăn bởi làm sao để bức tượng không mảy may xây xước, từng chặng, từng chặng tôi đều phải kiểm tra thật kỹ lưỡng. Vậy mà cuối cùng cũng về đến nơi an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm!” ông chia sẻ. Đằng sau bức tượng Bác, là một căn nhà ngang được xây ba gian. Nơi đây, có một bàn thờ Bác đặt trang trọng giữa nhà. Xung quanh là những kỷ vật ông dày công sưu tập từ bấy lâu nay, với tất cả sự trân trọng và ngưỡng mộ. Nơi đây, mỗi ngày đều có khách đến thăm và ông luôn đón tiếp với tất cả sự trân trọng, niềm nở và sẵn sàng chia sẻ... Mỗi khi đến ngày giỗ Bác hay sinh nhật Bác, ông đều trang trọng làm cơm giỗ, mời mọi người trong vùng đến cùng làm với ông, rồi cùng nhau ngồi ôn chuyện về vị cha già dân tộc.
“Để đồng bào vùng cao có nơi tưởng niệm Bác”
Đó là tâm sự của ông khi hỏi vì sao ông vẫn sống trong một căn nhà tềnh toàng, nhưng lại quyết dựng nên một tòa nhà lưu niệm lớn như vậy ở nơi này. Ở cái tuổi gần 80, ông vẫn rất nhanh nhẹn và hoạt bát, tuy hơn nặng tai nhưng ông luôn cố gắng trả lời tất cả mọi câu hỏi rất rõ ràng. Với ông, Bác là một tấm gương ngời sáng mà cả đời ông trân trọng, ngưỡng mộ.
|
Ông kể, năm 13 tuổi, ông đã làm liên lạc cho cách mạng, rồi vào bộ đội, đi từ Bắc vào Nam để cống hiến toàn bộ cuộc đời của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Với ông, trong suốt quãng thời gian tham gia binh nghiệp, cái được lớn nhất của ông là 3 lần được gặp Bác Hồ. Mỗi lần gặp, là mỗi lần sự ngưỡng mộ, lòng tin yêu dành cho Bác càng lớn lên hơn. Nên ông đã tâm niệm trong lòng mình một dự tính trong tương lai từ ngày giải phóng đất nước. Về hưu, ông không chọn quê nhà ở xã Điện Nam (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) làm nơi an dưỡng tuổi già mà chọn vùng căn cứ khu V xưa ông từng hoạt động cách mạng- mảnh đất Bắc Trà My. Rồi chắt chiu, dành giụm từ những đồng lương hưu, từ tiền con cái cho, ông đã dần dà tạo dựng nên tượng đài và nhà lưu niệm Bác trong khuôn viên nhà mình. “Lúc đầu con cái, người quen không hiểu, họ nói tui ngông, nhưng rồi ngày lại ngày, thấy được sự tâm huyết, miệt mài của tui, họ đã bắt đầu thông cảm, rồi dần dà ngưỡng mộ!” ông cười hiền.
Cũng trong căn nhà tưởng niệm, ông đã xây dựng tủ sách về Bác dành cho thiếu nhi trong vùng, có thể đến đọc để tìm hiểu về Bác mọi lúc. “Tủ sách vẫn còn chưa nhiều, tui cũng phải liên hệ bạn bè các nơi sưu tập thêm giúp. Chắc rồi sẽ phong phú lên theo ngày tháng! Đó là những gì tui muốn thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về người cha già dân tộc!” ông nói rất quyết tâm. Và trong khuôn viên của nhà, bên cạnh nhà tưởng niệm, ông còn dự tính xây dựng một khu vui chơi miễn phí cho trẻ em trong vùng. Bởi với ông, không ai “yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”, nên mang niềm vui đến cho trẻ, chính là mang niềm vui đến với Bác...
Hỏi những việc ông làm, ai là người ủng hộ ông nhiều nhất. Ông cười ngượng nghịu: “Là bả đó, vợ tui. Nhờ bả vun vén mà lương hưu 2 vợ chồng có 5-7 triệu đồng, nhưng tháng nào cũng tiết kiệm để dư ra, dành giụm cho tui hoàn thành tâm nguyện của mình!”...
DIỆU HIỀN
Bình luận (0)