Cân nhắc kiến nghị không hiến định thu hồi đất phục vụ các dự án kinh tế - xã hội

08/03/2013 03:05 GMT+7

Trao đổi với báo giới bên lề hội nghị HĐND TP.Hà Nội góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 hôm qua (7.3), Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng các ý kiến đề nghị bỏ vế thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội (KT-XH) trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần được cân nhắc, vì đó “cũng là một ý kiến hợp lý”.

Thưa ông, quá trình soạn thảo dự luật Đất đai sửa đổi nhiều ý kiến cho rằng nên quy định đa sở hữu về đất đai để khắc phục những bất cập hiện nay trong thực tiễn, vì sao chúng ta chỉ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân trong dự thảo luật cũng như dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992?

Cân nhắc kiến nghị không hiến định thu hồi đất phục vụ các dự án kinh tế - xã hội
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu - Ảnh: Nguyệt Minh

Đây là một vấn đề rất lớn, ý kiến hiện nay cũng rất khác nhau, nhưng đa số ý kiến của nhân dân, các cơ quan tổ chức đều khẳng định trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của chúng ta thì sở hữu toàn dân về đất đai là phương án hợp lý nhất. Vấn đề đất đai không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế mà đây là vấn đề chính trị - xã hội, bởi vì qua các cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đã phải giành từng thước đất, rồi các chế độ đất đai chúng ta qua nhiều thời kỳ rất khác nhau cho nên bây giờ nếu nói tư hữu hóa đất đai hay nhiều hình thức sở hữu đất đai thì sẽ có những vấn đề phức tạp về mặt chính trị, về mặt xã hội.

Bản chất của vấn đề ở đây là quy định cái quyền của người chủ sở hữu đất thay mặt cho toàn dân trong vấn đề sở hữu đất như thế nào, cũng như quyền của người dân được giao quyền sử dụng đất như là một quyền tài sản thì pháp luật phải bảo hộ, bảo vệ được cái quyền tài sản đó của người dân, và phải xử lý được những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện nay trong vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, trong vấn đề giá, chính sách tài chính về đất đai hiện nay cũng như cơ chế quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai…

Như ông nói thì có thể hiểu vẫn tiếp tục duy trì hình thức sở hữu toàn dân về đất đai và nhà nước là đại diện chủ sở hữu, nhưng quyền lợi của người dân trong sử dụng đất sẽ ngày càng được bảo đảm hơn?

Chắc chắn là như vậy, đó là làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất, khẳng định quyền sử dụng đất của người dân như là quyền tài sản được ghi nhận trong Hiến pháp.

Vừa rồi góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều ý kiến nhận định nếu quy định trong Hiến pháp nhà nước thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển KT-XH, ngoài lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì sẽ mâu thuẫn với việc bảo hộ quyền tài sản của người dân về đất đai như ông vừa nói. Ban soạn thảo đã nhận được ý kiến góp ý này chưa và hướng giải quyết ra sao?

Đúng là có ý kiến cho rằng nếu quy định cả việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển KT-XH (tại khoản 3, điều 58 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - PV) thì có thể mở rộng quá quyền thu hồi đất của các cơ quan, tổ chức nhà nước và có thể dẫn đến xâm phạm quyền sử dụng đất của người dân; có thể dẫn đến tùy tiện ở chỗ này, chỗ khác, nhưng cũng có ý kiến nói trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã quy định thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng, mà trong đó đã bao hàm cả vấn đề thu hồi đất để phát triển các dự án KT-XH rồi, cho nên không cần thiết phải bổ sung thêm vế thu hồi đất vì mục đích KT-XH nữa.

 Theo quan điểm cá nhân ông thì có nên bỏ vế thu hồi đất vì mục đích KT-XH để tránh sự tùy tiện trong thu hồi đất sau này, nhất là tránh lợi ích nhóm?

Tôi nghĩ cái đó cũng cần phải cân nhắc, như tôi nói ở trên, đây cũng là một ý kiến hợp lý.

Bảo Cầm (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.