Ông Quang cho rằng người có giới tính chưa được định hình chính xác hoặc có khuyết tật bẩm sinh về giới tính cần phải được thẩm định tại cơ quan y tế có đủ điều kiện, được Bộ Y tế cấp phép để xác định lại giới tính. Từ đó, người chuyển giới sẽ được điều chỉnh về mặt hộ tịch, các giấy tờ liên quan. Cũng theo ông Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến đã ký công văn chỉ định 3 cơ sở y tế tiếp nhận các trường hợp chuyển giới. Ở phía bắc có Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi T.Ư; ở phía nam có Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Đó sẽ là nơi cung cấp dịch vụ xác định lại giới tính cho 2 đối tượng. Một là những người ở Việt Nam chưa tiến hành bất cứ một phẫu thuật nào. Hai là những người đã ra nước ngoài phẫu thuật chuyển đổi giới tính. “Hiện các cơ sở y tế nói trên đang tích cực chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện trong 3 tháng tới”, theo ông Quang.
|
Nhân văn nhưng chưa ổn
Đối với trường hợp của Phạm Văn Hiệp ở tỉnh Bình Phước, ông Quang cho rằng việc chính quyền địa phương xác nhận giới tính và thay đổi hộ tịch cho Hiệp trước đó “là một việc làm nhân văn, nhưng về pháp luật thì chưa được ổn lắm”. “Do vậy, Bộ Y tế đã có công văn để hướng dẫn giải quyết trường hợp này theo tính chất riêng lẻ. Theo đó, Bộ Y tế sẽ chỉ định 1 trong 3 cơ sở nói trên xác định lại giới tính. Nếu trong trường hợp các cơ sở chưa đủ điều kiện thì sẽ mời các chuyên gia xác định, sau đó Bộ Y tế sẽ đề nghị chính quyền tỉnh Bình Phước điều chỉnh hộ tịch cho Hiệp. Như vậy, quyết định của chính quyền địa phương mới đầy đủ thủ tục về mặt pháp lý”, Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang nói. Bên cạnh đó, theo ông, các trường hợp tương tự khác cũng có thể liên lạc qua Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, để được hướng dẫn các thủ tục cụ thể.
Với tư cách là một chuyên gia pháp luật trong ngành y tế, ông Quang nhìn nhận các vấn đề của người chuyển giới còn liên quan đến nhiều quy định tại luật Hộ tịch, luật Hôn nhân gia đình, bộ luật Dân sự và nên được xem xét trên cơ sở cân nhắc thấu tình, đạt lý. “Về quan điểm cá nhân tôi, trên cơ sở quyền con người gồm quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, nếu người ta không may, không biết mình là nam hay nữ thì mình phải tôn trọng quyền con người của họ. Đó là nền tảng để duy trì trật tự về mặt pháp luật, giá trị về mặt đạo đức. Do đó, tôi ủng hộ quan điểm quyền được sống thực với giới tính của mình. Dù pháp luật có cứng nhắc như thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể nào làm thay đổi được về hành vi, lối sống, thói quen, cách suy nghĩ của người ta, có thể trên cơ thể tưởng như nam giới nhưng là nữ giới hoặc ngược lại. Chúng ta cần phải tôn trọng những quyền đó thì mới giải quyết được vấn đề”, ông Quang bày tỏ.
Cũng theo ông Quang, liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có nhiều ý kiến góp ý cần quy định đảm bảo quyền lợi cho người đồng tính. “Về quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ hôn nhân đồng tính bởi khi người ta cảm nhận được trái tim hòa chung nhịp đập, cảm thấy hạnh phúc khi được sống chung với người ấy thì cớ gì mình lại trì hoãn, ngăn cấm người ta. Trong hôn nhân đồng tính, chức năng sinh con đẻ cái sẽ bị hạn chế nhưng còn hơn là để người ta bị ức chế dẫn đến những hành vi không đúng về mặt đạo đức, pháp luật. Việc hôn nhân nên thừa nhận bằng pháp luật, phải được thể hiện trong luật Hôn nhân gia đình”, ông Quang nói.
Sẽ tổ chức họp liên ngành để giải quyết Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp, cho biết Bộ Tư pháp có theo dõi và đã có văn bản trao đổi với địa phương về trường hợp của Phạm Văn Hiệp ở Bình Phước. Ông Cường cho biết thêm: “Hiện chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức một cuộc họp liên ngành để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần phải phân biệt rõ 2 nhóm đối tượng. Một là do phát triển không bình thường của bộ phận sinh dục. Ví dụ bản chất họ là nam hoặc nữ nhưng do phát triển không bình thường của bộ phận sinh dục mà xác định khi đăng ký khai sinh từ ban đầu nhầm giới tính, bây giờ có tác động của y học trả lại giới tính đích thực cho họ thì trường hợp này pháp luật hộ tịch mới cho phép. Còn trường hợp thứ 2 đang là nam đích thực, hoặc nữ đích thực nhưng có những phát triển bất thường về gien, ví dụ là nữ nhưng có gien trội là nam hoặc ngược lại và họ tự đi ra nước ngoài để chuyển đổi giới tính thì pháp luật chưa điều chỉnh. Nghị định 88 của Chính phủ cũng chỉ điều chỉnh đối với đối tượng thứ nhất. Đối với trường hợp ở Bình Phước, cơ quan y tế sẽ thực hiện các bước xác định theo trình tự quy định. Khi có kết quả từ y tế thì các vấn đề liên quan đến hộ tịch sẽ được giải quyết, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho họ. Thái Sơn (ghi) |
Nên cho phép chuyển giới nhưng cẩn thận Theo chuyên gia về nam học TS-BS Nguyễn Thành Như, nên cho phép chuyển đổi giới tính nhưng phải cẩn thận. Chỉ chấp nhận chuyển giới đối với những người thật sự muốn chuyển giới. Muốn vậy, họ cần được kiểm tra tâm lý, cần có chuyên gia giỏi về lĩnh vực tâm lý chuyển giới. Không nên cho phép những chuyên gia tự học, những nhà tâm lý chung chung, tâm lý học đường làm chuyên gia chuyển giới, mà cần cho người đi học ở các trung tâm lớn về chuyển giới trên thế giới. Vì hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có các chuyên gia tâm lý, nội tiết chuyên về lĩnh vực chuyển giới tính, mặc dù việc thực hiện các phẫu thuật tạo hình bộ sinh dục nằm trong khả năng của các bác sĩ Việt Nam. Thanh Tùng |
Thái Sơn
Bình luận (0)