Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 6: Em còn nhớ hay em đã quên ?

09/03/2013 03:15 GMT+7

Từ năm 1971, sau thành công nổi bật của Băng Châu trong phim Trần Thị Diễm Châu, điện ảnh đã mở rộng vòng tay đón nhận “người đẹp Tây Đô”.

>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 5: Băng Châu hóa thân thành Diễm Châu

Cô giáo trong Trường tôi

Năm 1974, tôi đã thực hiện một phim về tuổi học trò, phim Trường tôi. Tôi quyết tâm làm nên một tác phẩm thu hút được đông đảo học sinh và cả phụ huynh, xây dựng một truyện phim hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu và sở thích của tuổi học trò, với nhiều hình ảnh nhẹ nhàng, vui tươi về những kỷ niệm đáng nhớ của cái tuổi đầy mộng mơ này. Tất cả điều đó được thể hiện thông qua những chuyện vui buồn trong trường học, chuyện tình bạn, tình yêu trong sáng của tuổi dậy thì, những phá phách dễ thương của “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.

Truyện phim thu gọn trong một trường trung học nội trú quy tụ nhiều nam nữ học sinh. Đời sống tập thể của học sinh, các sinh hoạt nhà trường, những chuyện vui buồn hằng ngày, mối quan hệ giữa thầy trò, tình bạn là những điểm chính của phim. Trong không khí hồn nhiên náo nhiệt của nhà trường, có hai bạn trẻ cô đơn thầm lặng thông cảm nhau, hiểu nhau trong một mối tình ngây thơ, trong sáng và cảm động.

Về phần hình ảnh, tôi giao cho Trần Đình Mưu, nhà quay phim tài hoa nhất lúc bấy giờ, người bạn thân đã từng cộng tác với tôi trong nhiều phim. Về nhạc phim, tôi mời Phạm Duy và Ngọc Chánh đảm trách với nhiều ban nhạc trẻ, đặc biệt có bài Tuổi biết buồn của Phạm Duy là nhạc phẩm được vào chung kết cuộc thi quốc tế nhạc trẻ tại Đông Kinh, do chính Thanh Lan trình bày.

Về lực lượng diễn viên, tôi đã quy tụ những danh hài và những nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm diễn xuất: Kiều Hạnh, Xuân Phát, Thanh Việt, Thanh Hoài, Khả Năng, Tùng Lâm, Tony Hiếu, Xuân Dung, Bé Bự, Thanh Lan, Bạch Lan Thanh cùng Băng Châu. Bên cạnh họ là lớp diễn viên trẻ mới toanh đóng các vai học trò: Tuyết Lan, Quốc Dũng, Hoài Mỹ, Thụy Hòa, Văn Thanh, Quách Phát, Duy Thống, Thái Ninh, Minh Đạo, Duy Phương. Đây là một tập thể diễn viên gắn bó chặt chẽ với nhau suốt quá trình thực hiện phim, gần như mỗi người đều là vai chính của phim.

 Hai vai chính: Tuyết Lan và Quốc Dũng trong phim Trường tôi
Hai vai chính: Tuyết Lan và Quốc Dũng trong phim Trường tôi

Để tạo không khí nội trú của nhà trường, suốt thời gian quay phim, tôi mượn hẳn Cô nhi viện Thủ Đức, vừa làm bối cảnh chung cho phim, vừa làm trụ sở tạm của đoàn làm phim. Các bà sơ phụ trách cô nhi viện rất quý mến tôi, vì trước đây tôi giữ chức Đổng lý Bộ Xã hội đã tài trợ và giúp đỡ cô nhi viện rất nhiều. Giờ đây bất cứ yêu cầu gì của tôi đều được đáp ứng đầy đủ. Suốt hai tháng quay phim, ai vào nơi này cũng đều nghĩ đây là trường học chứ không phải là cô nhi viện. Những sinh hoạt của cô nhi viện được các sơ tạm thu gọn lại dồn về một góc nhỏ, nhường phần lớn mặt tiền cho đoàn làm phim. Tôi luôn ghi nhớ ơn các sơ ở Cô nhi viện Thủ Đức đã giúp cho tôi có chỗ làm việc tập trung, để cho đạo diễn, chuyên viên và diễn viên lúc nào cũng gặp mặt nhau đầy đủ, cùng nhau xây dựng từng cảnh quay hoàn mỹ.

Buổi chiếu phim đầu tiên ra mắt phim Trường tôi được dành riêng cho những khách mời đặc biệt là những học sinh xuất sắc, đại diện các trường công và tư Sài Gòn. Điều tôi vui nhất là phim Trường tôi đã đạt hiệu quả tài chính đáng kể. Nhưng điều tôi mong ước quan trọng hơn là về mặt tinh thần: phim đã được khán giả yêu thích, từ lớp trẻ đến người lớn. Đặc biệt, lần thứ nhất, một bộ phim truyện đã gom được cùng một lúc 3 giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Sài Gòn 1974: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc và Phim có ý nghĩa giáo dục xã hội.

Với phim Trường tôi, Băng Châu đã được công chúng đón nhận qua nét diễn hồn nhiên và duyên dáng trong vai cô giáo trẻ. Băng Châu xinh đẹp, hiền hậu, hợp với bọn trẻ, lại có biệt tài đàn hát giỏi. Cô đã say mê với vai diễn, gần như cô luôn có mặt ở hiện trường với đoàn phim.

Cuộc sống ở hải ngoại

Băng Châu rời Việt Nam vào cuối năm 1978. Cô đến đảo Pulao Bidong và ở tại đây khoảng 10 tháng trước khi qua Mỹ vào tháng 9.1979. Cô cư ngụ ở tiểu bang Utah trong 3 tháng, sau đó đến cư trú tại Nam California cho đến nay. Mấy năm sau, trở lại với những sinh hoạt ca nhạc, Băng Châu hát những bài đã giúp cô nổi tiếng trong năm 1970 - 1975: Qua cơn mê, Nhớ nhau hoài.

Về băng nhạc, khi còn ở Việt Nam, Băng Châu đã cộng tác với nhiều trung tâm, đặc biệt là với trung tâm của Duy Khánh. Từ ngày ra hải ngoại, Băng Châu cũng được nhiều trung tâm mời cộng tác nhưng từ năm 1993, Băng Châu mới đứng ra thực hiện riêng cho mình được 3 CD dưới tên của Trung tâm Hạ Trắng.

Băng Châu đã lập gia đình từ khi còn ở Việt Nam và có hai con, một trai một gái, nhưng hiện nay cô ở trong tình trạng "độc thân nuôi con" sau khi chia tay với người bạn đời. Hiện Băng Châu không còn trình diễn nghệ thuật như trước nữa, nhưng ở Việt Nam vẫn có nhiều người còn nhớ đến cô, nhất là những người mến mộ cô qua những phim Trần Thị Diễm Châu, Trường tôi, Mối tình đầu, Giữa hai làn nước và qua giọng hát trong sáng của cô với bài Cuộc đời vẫn đẹp sao.

Bây giờ, tôi muốn nhắn đến cô em mấy lời của người anh cả: “Em còn nhớ hay em đã quên? Nếu nhớ, thì hãy quay về, cuộc đời ở đây vẫn đẹp!”.

Sau năm 1975, điện ảnh cách mạng giúp thêm cho Băng Châu tạo được dấu ấn đặc sắc qua những vai diễn đa dạng trong các bộ phim: Mối tình đầu của đạo diễn Hải Ninh, Giữa hai làn nước của đạo diễn Lam Sơn. Đồng thời, Băng Châu vẫn tham gia ca hát, diễn kịch, cô là một ca sĩ duyên dáng của Đoàn kịch nói Bông Hồng.

Đạo diễn Lê Dân

>> Đạo diễn Sam Raimi: Tôi là người mua vui cho khán giả
>> Đạo diễn Niels Arden Oplev "khoe" phim mới
>> Đạo diễn của "Skyfall" vắng mặt trong James Bond phần 24
>> Diễn viên trong phim của đạo diễn Việt kiều dự lễ trao giải Oscar
>> Khi người đẹp ngủ
>> Người đẹp và lòng nhân ái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.