Bài giảng qua ảnh

10/03/2013 03:05 GMT+7

Bộ ảnh giàu tính nhân văn và giáo dục Mẹ ơi, con bất hiếu đã và đang thu hút sự chú ý trên Facebook.

Người thực hiện bộ ảnh này là thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM.  

Bằng cách kể chuyện qua ảnh, thạc sĩ Hiếu đã mang đến cho người xem những cảm xúc khó quên. Bộ ảnh (xem tại: http://www.facebook.com/media/set/?set=a.468897529832384.1073741826.358751247513680&type=1) chia làm nhiều phần:

4 ảnh con nhà nghèo: con cái xấu hổ mặc cảm với cái nghèo của mẹ, tiêu xài phung phí mà không nghĩ đến sự hy sinh của đấng sinh thành; và 4 ảnh con nhà giàu: con cái không nhận ra hạnh phúc hiện tại mà mình đang có, đòi hỏi quá nhiều mà chưa cho mẹ được bao nhiêu… Thạc sĩ Hiếu đã mang đến nhiều câu chuyện chân thực của cuộc sống về mẹ và những đứa con, mang lại thông điệp: Con cái dù nhận được rất nhiều từ mẹ nhưng vẫn thường đòi hỏi ngày càng nhiều hơn.

Bài giảng qua ảnh 1

Bài giảng qua ảnh 2

Bài giảng qua ảnh 3
Những bức ảnh trong bộ ảnh Mẹ ơi, con bất hiếu đang thu hút sự quan tâm trên Facebook

Theo thạc sĩ Hiếu, nhiều bạn trẻ không hiểu được rằng để lo được cho bạn có được như ngày hôm nay, mẹ đã phải hy sinh rất nhiều. Như: “Bạn chê đồ ăn của mẹ nấu kiểu gì mà mặn quá”, nhưng có bao giờ bạn cảm ơn mẹ vì một bữa ăn ngon. “Bạn cằn nhằn tiền cho như nhỏ giọt! Mẹ keo đến thế là cùng!” nhưng từ khi sinh ra bạn đã cho mẹ được những gì… 

Ngay sau khi đăng trên Facebook ngày 7.3, bộ ảnh Mẹ ơi, con bất hiếu  đã được các thành viên đặc biệt quan tâm. Tính đến ngày 8.3 đã thu hút gần 6.000 lượt yêu thích và bình luận, đồng thời được thành viên chia sẻ rất nhiều với trên 2.000 lượt trên các trang cá nhân, trang Fan Page để giới thiệu cho mọi người cùng xem. Không ít thành viên đã tâm sự về những thay đổi trong suy nghĩ và thái độ của mình: “Thầy ơi! Mỗi câu nói đều khiến em phải suy nghĩ, cảm ơn thầy vì đã thức tỉnh em... Giờ em thấy yêu đấng sinh thành hơn. Em đang phấn đấu học tập thật tốt và học cách làm một người con thật đúng với đạo lý làm con”, Linh Winter Snow tâm sự. Còn Vũ Phong chia sẻ: “Em cảm ơn thầy. Cảm ơn thầy nhiều lắm. Thì ra bấy lâu nay em là đứa con bất hiếu. Em đã đòi hỏi quá nhiều mà không biết cảm thông cho sự hy sinh của mẹ. Những lời khuyên dạy của thầy làm em thức tỉnh. Em về với mẹ đây”.

Có khá nhiều lời khen ngợi dành cho thạc sĩ Hiếu và nhóm thực hiện khi chụp được những bức ảnh bộc lộ được ý tưởng của thông điệp, đặc biệt là sự biểu cảm của các nhân vật trong hình…

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng đây là hình thức giảng dạy rất hay và lạ, cần nhân rộng. Bởi hình thức giáo dục qua ảnh có thể biến hóa sinh động để tạo sự mới mẻ ở người xem và tạo hiệu ứng làm nổi bật thông điệp muốn chuyển tải…

“Khi tham gia thế giới online, chúng ta thấy hình ảnh rất nhiều, nhưng số lượng hình ảnh giáo dục so với hình ảnh hot boy - hot girl lại “lép vế” hẳn. Do đó, tôi muốn chia sẻ những bài giảng thường ngày của mình đến các bạn trẻ thông qua hình thức giáo dục ảnh, vừa nhẹ nhàng mà có thể mang đến một chút thay đổi nào đó trong suy nghĩ có ích cho người xem”, thạc sĩ Hiếu nói về ý nghĩa của bộ ảnh. 

Sở dĩ chọn hình thức giáo ảnh (dạy cách sống cho giới trẻ qua hình ảnh), vì theo anh, hình ảnh có sức tác động mạnh mẽ hơn, dễ lưu lại trong tâm trí người xem hơn chữ. Đặc biệt, đa số bạn trẻ trên thế giới online thích xem hình và nếu có đọc chữ thì cũng chỉ đọc khoảng vài ba dòng thôi. Do đó, hình thức này phù hợp với tâm lý của giới trẻ.

“Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và giới thiệu một bộ ảnh về chủ đề Người đoàn viên nhân dịp 26.3, đồng thời tiếp tục làm một đoạn clip chia sẻ kỹ năng tư duy sáng tạo trong hoạt động Đoàn để dành tặng cho các cán bộ Đoàn. Dịp 30.4 sẽ thực hiện một bộ ảnh giáo dục về lòng yêu nước và tự hào cũng như biết ơn các thế hệ cha anh - một trong những chủ đề rất khó nhưng tôi nghĩ vô cùng cần thiết cho bạn trẻ”, thạc sĩ Hiếu tiết lộ.

Bình luận

“Tôi thích nhất ảnh kết thúc, câu chuyện thứ 9: Hãy yêu thương người khi còn có thể vì sẽ có lúc mẹ không còn bên ta. Bạn hãy làm những điều nên làm khi chưa quá muộn nhé”. (Frankie Tran/Facebook)

“Ước gì con gái mình đọc được câu chuyện này. Mình thấm thía câu chuyện về mẹ và càng day dứt hơn khi không thể làm gì cho mẹ”.(Hương Thu/Facebook)

“Bộ ảnh thật là ý nghĩa, tôi thấy đây mới đúng làm đỉnh cao của nghệ thuật, nghệ thật của sự nhân văn, tính giáo dục và tình người”. (Vân Anh/Facebook)

Xuân Phương

>> Loạn Facebook mạo danh sao Việt: Sống chung với lũ?
>> Loạn" facebook mạo danh sao Việt
>> Ngày tàn" của Facebook đang đến?
>> Facebook trên Android cập nhật khả năng gọi điện miễn phí
>> Facebook chuẩn bị giới thiệu giao diện News Feed mới
>> Mẫu thuẫn từ Facebook, hai học sinh bị đâm chém

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.