Hết vốn, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đóng băng

09/03/2013 03:15 GMT+7

Tháng 5.2009, cảng Sài Gòn khởi động việc di dời bằng lễ khởi công xây dựng cảng mới Sài Gòn - Hiệp Phước tại H.Nhà Bè, TP.HCM. Theo quy hoạch, dự án có tổng diện tích 100 ha, trong đó bến cảng dài 1.800 m, năng lực thông quan đạt 18 triệu tấn hàng hóa/năm, khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 DWT.

 Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (đến năm 2014) hơn 2.730 tỉ đồng, sẽ thay thế và tiếp nhận lượng hàng khoảng 8,7 triệu tấn một năm (hiện nay lượng hàng hóa qua cảng Sài Gòn khoảng 10,5 triệu tấn/năm) cho khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

Thế nhưng đến thời điểm này thì dự án đã lâm vào bế tắc. Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (SGHP), cho biết các hạng mục thi công tại dự án đang mắc nợ các nhà thầu 130 tỉ đồng do chủ đầu tư thiếu vốn. Theo quy hoạch, tổng mức đầu tư tại H.Nhà Bè 2.700 tỉ đồng nhưng chỉ mới thực hiện được 38% (khoảng 1.000 tỉ đồng) thì công trình đóng băng 2 năm nay. Một hạng mục rất quan trọng khác là tuyến đường bộ D3 có chiều dài 2,2 km bị treo nhiều năm nay khiến cảng không thể hoạt động được.

Theo ông Dũng, nhiều nhà đầu tư trước đây tỏ ra rất quan tâm muốn đầu tư vào khu đất cụm cảng Sài Gòn với mục đích xây dựng các trung tâm thương mại, khách sạn... nay đã rút lui gần hết, số còn lại tỏ ra thờ ơ. Hậu quả là dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn bị tê liệt, dẫn đến nguồn vốn đầu tư cho cảng Sài Gòn - Hiệp Phước bị bế tắc, cho dù việc sử dụng nguồn vốn chuyển đổi công năng là theo sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính cũng đã từng ứng vốn ngân sách khoảng 449 tỉ đồng cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Đến năm 2011 chủ đầu tư tiếp tục xin ứng thêm nhưng Bộ Tài chính không chấp thuận.

Trước mắt, ông Dũng cho biết sẽ tiến hành phân kỳ lại để đầu tư cho phù hợp theo tinh thần “liệu cơm gắp mắm”. Theo đó, đến năm 2015 chủ đầu tư cố gắng hoàn thiện những hạng mục công trình đang xây dựng dang dở để có thể đưa cảng vào hoạt động. Tuy nhiên, kinh phí để đầu tư hoàn thiện các hạng mục này cần thêm ít nhất 500 tỉ đồng, hiện vẫn chưa tìm ra nguồn vốn.

Đ.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.