Tranh của Leonardo Da Vinci đang lưu lạc ở VN ?

10/03/2013 03:05 GMT+7

Trong cuộc triển lãm mỹ thuật nhân mùa Giáng sinh 2012 tại nhà thờ Ba Chuông (TP.HCM), chúng tôi được tiếp cận một bức tranh “rất lạ”. Người sở hữu bức tranh cho là do danh họa người Ý Leonardo da Vinci (1452-1519) vẽ…

Trong cuộc triển lãm mỹ thuật nhân mùa Giáng sinh 2012 tại nhà thờ Ba Chuông (TP.HCM), chúng tôi được tiếp cận một bức tranh “rất lạ”. Người sở hữu bức tranh cho là do danh họa người Ý Leonardo da Vinci (1452-1519) vẽ…

Người hiện đang sở hữu bức tranh này là ông Nguyễn Văn Luông (một tín đồ đạo Cao Đài) ngụ tại thị trấn Cái Bè (Tiền Giang). Bức tranh có kích thước 1,17 m x 0,62 m, nặng 8,5 kg, vẽ bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê su (Bữa tiệc ly) với 12 môn đệ trên nền hợp chất (thạch cao và mastie) dày 0,01 m.

Tranh của Leonardo Da Vinci đang lưu lạc ở VN ?
Ông Nguyễn Văn Luông bên bức tranh mình đang sở hữu - Ảnh: H.Đ.N

Ông Luông đã tập hợp từ nhiều nguồn tư liệu để đưa ra 5 điểm tương đồng giữa bức tranh ở Việt Nam và các họa phẩm do Leonardo da Vinci vẽ. Chất liệu: thạch cao spar satanh màu trắng sữa bò ở miền Bắc Ý, trùng với phần nền bức tranh Bữa tiệc ly mà Da Vinci đã vẽ trên tường tu viện Santa Maria della Grazie tại Milan và trùng cả chất liệu của bức Mona Lisa ở Bảo tàng Louvre. Màu vẽ: lấy từ thiên nhiên (thực vật, động vật và khoáng sản), nhất là loại đất ở vùng Sienne cho màu xanh rêu thường gặp trong tranh của Da Vinci. Trên tấm khăn choàng màu đỏ thẫm của Chúa Giê su có óng ánh bụi vàng (Au), bụi vàng cũng được phát hiện trong bức tranh trên tường tu viện Santa Maria della Grazie. Bút pháp: bức tranh được vẽ bằng nhiều triệu chấm màu nhỏ li ti trùng khớp với nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về Leonardo Da Vinci, đó là bút pháp đặc trưng của ông. Cách vẽ: vẽ từ phải sang trái (Da Vinci thuận tay trái), đường viền mềm mại không đứt mạch, không thấy nét quệt của cây cọ vẽ. Cảnh tượng được vẽ từ to tới nhỏ, ánh sáng từ rõ tới mờ - thể hiện đúng luật “viễn cận” đặc thù của hội họa Ý thời Trung cổ. Phủ men thủy tinh: trên bức tranh có phủ (tráng) một lớp men thủy tinh trong suốt và rất mỏng. Theo Trung tâm khoa học Labolatoire du Centre de Recherche et de Restauration de Musees de France (Pháp) và Cơ quan Bức xạ châu u (Synghrotron) khi tiến hành nghiên cứu 7 bức họa của Da Vinci tại Bảo tàng Louvre thì họ cũng thấy có nhiều lớp men thủy tinh phủ chồng lên nhau. Mỗi lớp chỉ dày khoảng 2 micromet (mỏng hơn sợi tóc 50 lần) và không tìm thấy dấu vết của cây cọ vẽ hay bàn chải để tạo nên đường nét trên các bức họa. Nên nhớ, thủy tinh phải nung tới 1.800 độ C mới nóng chảy, và việc tráng một loại chất lỏng có nhiệt độ rất cao như vậy lên mặt bức tranh mà không làm màu sắc biến dạng là một điều cho đến nay vẫn còn là một dấu hỏi.

 

Có thể vì muốn chiếm đoạt làm của riêng mà một vài viên chức cấp cao của Pháp đã “tẩu tán” bức tranh này càng xa châu u càng tốt, và rồi “duyên nợ” đã đến với gia đình ông Luông...

Ông Luông cho rằng vào năm 1870, vua nước Pháp là Napoleon đệ tam đã chiếm đóng nước Ý và tịch thu các tác phẩm nghệ thuật làm chiến lợi phẩm đưa về Pháp. Thời điểm đó cũng là giai đoạn Pháp đang thôn tính nước ta. Có thể vì muốn chiếm đoạt làm của riêng mà một vài viên chức cấp cao của Pháp đã “tẩu tán” bức tranh này càng xa châu u càng tốt, và rồi “duyên nợ” đã đến với gia đình ông Luông… 

Những nghi vấn về bức tranh

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì tuy cùng một đề tài, một bối cảnh (trong bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê su với 12 môn đệ) nhưng các họa sĩ lại vẽ theo 2 nội dung: A) Chúa tiết lộ “Một trong số các con sẽ phản ta”; B) Chúa lập bí tích Thánh thể và bí tích Truyền chức thánh. Bức tranh của Leonardo da Vinci vẽ ở tường tu viện Santa Maria (và tranh của nhiều họa sĩ cùng thời khác) là theo nội dung A, còn bức tranh mà ông Luông đang sở hữu lại vẽ theo nội dung B.

Theo nhận xét của chúng tôi thì nét vẽ của Da Vinci hết sức tỉ mỉ, chăm chút cả về hình thể lẫn màu sắc, còn nét vẽ ở bức tranh thì “thoáng” hơn nhiều, màu sắc cũng giản lược. Nên nhớ Da Vinci đã bỏ ra 3 năm (1495-1498) để vẽ bức Bữa tiệc ly, và chỉ với nhân vật Giu đa (kẻ phản bội), Da Vinci đã phải đi lang thang khắp trong thành phố để quan sát bọn tội phạm, lưu manh để vẽ lại (phác thảo) hắn trong hàng trăm tư thế... Và như đã nói, trước Vinci đã có nhiều họa sĩ vẽ về đề tài này (bức tranh ông Luông đang có là một trong những bức này chăng?), nhưng từ khi Da Vinci “vẽ được nội tâm” của từng người thì không còn ai “dám” vẽ nữa…

Một điều đáng lưu ý nữa: tuy bức tranh ở Việt Nam có phủ men thủy tinh (điểm đặc trưng của Da Vinci) nhưng trong quá trình phủ lại bị “lỗi kỹ thuật”. Cụ thể: trên bề mặt của bức ở Việt Nam lớp phủ không tráng đều, bằng mắt thường có thể thấy được nổi bật 10 vệt thủy tinh to cỡ bằng 2 hoặc 3 ngón tay khép lại và có 10 giọt thủy tinh nhô cao (như núm vú người) ở góc dưới bên phải bức tranh. Nếu Da Vinci từng được ca tụng là “vô cùng khéo léo mới làm được như vậy”, sao ở bức tranh này lại… vụng về đến thế?!

Vì vậy, bức tranh mà ông Luông đang sở hữu có phải do chính tay danh họa Leonardo da Vinci vẽ hay không còn phải được xác định bởi nhiều yếu tố, nhất là phải được giám định bởi các nhà chuyên môn trong và ngoài nước.  

Hà Đình Nguyên

>> Triển lãm mỹ thuật nam miền Trung - Tây nguyên
>> Triển lãm mỹ thuật giữa Melbourne và TP.HCM
>> Triển lãm Mỹ thuật mùa xuân và Phòng tranh con giáp “Nhâm Thìn 2012”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.