Có cần quy định thêm trường hợp nổ súng ?

10/03/2013 03:20 GMT+7

Bộ Công an đề xuất nổ súng trực tiếp để vô hiệu hóa các trường hợp có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ nghiêm trọng, nhưng các chuyên gia lo ngại dễ dẫn đến lạm quyền.

Có cần quy định thêm trường hợp nổ súng ?
 Một vụ chống người thi hành công vụ nghiêm trọng (Trong ảnh: Bị tuýt còi, tài xế Phạm Hữu Kiên hất tung thượng sĩ Nguyễn Việt Anh lên nắp capo) - Ảnh: Nam Anh

Có cần quy định thêm trường hợp nổ súng ?
Trung úy Nguyễn Mạnh Phan phải đu vào cần gạt nước khi chiếc xe khách bỏ chạy

Tại dự thảo Nghị định về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ đang lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, Bộ Công an cho biết tình trạng chống người thi hành công vụ thời gian qua diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ.

Theo số liệu của các bộ, ngành, từ năm 2002 đến tháng 6.2012, cả nước đã xảy ra 8.513 vụ, với 13.706 đối tượng vi phạm, trong đó số vụ việc xử lý hình sự là 6.882 với 11.131 đối tượng; số vụ việc xử lý hành chính là 1.594 với 2.811 đối tượng. Trên 90% số vụ chống người thi hành công vụ là chống lại lực lượng công an, chủ yếu trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy và các vụ việc ở cơ sở.

Nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm

Bộ Công an cho rằng nguyên nhân chính là chưa có quy định đầy đủ, đồng bộ về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Do đó, Bộ đưa ra dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Bản dự thảo gồm 5 chương với 30 điều.

Đáng chú ý, về xử lý tình huống khi có hành vi chống người thi hành công vụ, tại điều 18 dự thảo quy định:

1. Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật được trang bị để khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

2. Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Ngoài ra, nếu hành vi chống người thi hành công vụ vượt quá khả năng giải quyết hoặc trường hợp có nhiều người cùng thực hiện thì cán bộ thi hành công vụ có thể yêu cầu các lực lượng vũ trang nhân dân nơi gần nhất hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phối hợp, hỗ trợ để ngăn chặn, xử lý kịp.

Ý kiến chuyên gia

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng nội dung như trong tờ trình Bộ Công an nêu do pháp luật quy định về hành vi chống người thi hành công vụ chưa đầy đủ để đề xuất lý do được nổ súng vào đối tượng chống người thi hành công vụ là chưa thỏa đáng. Bởi việc sử dụng vũ khí nói chung, trong đó có vũ khí thô sơ đã được quy định trong pháp lệnh Về quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (pháp lệnh 16), trong đó có quy định rất rõ các trường hợp cán bộ thi hành công vụ được phép nổ súng.

“Theo quan điểm của tôi, cần phải nhìn dưới góc độ là ngoài các trường hợp được phép nổ súng mà pháp lệnh nêu thì Chính phủ không được quy định thêm trường hợp nổ súng nào khác. Mặt khác, nếu cho rằng nghị định này nhằm hướng dẫn cụ thể thêm pháp lệnh thì có vẻ như Bộ Công an đang nhầm lẫn. Không có chỗ nào trong pháp lệnh 16 nói rằng cán bộ thi hành công vụ được phép nổ súng khi thấy “dấu hiệu” mà đều nói là đối tượng đó đang thực hiện các hành vi nguy hiểm như cướp súng. Chúng ta biết rõ rằng, dấu hiệu tội phạm chỉ mới là cơ sở để khởi tố thôi và phải qua quá trình điều tra 3-4 tháng sau mới xác định được là có tội hay là không. Cho nên mới chỉ thấy dấu hiệu mà đã được nổ súng thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy”, ông Phất nói.

Luật sư Phạm Văn Phất ví với việc quy định cán bộ thi hành công vụ được phép nổ súng trực tiếp vào người chống đối nếu được thông qua là “không khác một bản án tử hình khỏi phải qua xét xử”. Bên cạnh đó, quy định tại điều 18 cũng cho rằng cùng về một hành vi của người chống đối thì cán bộ thi hành công vụ được đưa ra 3 cách ứng xử gồm: sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật và nổ súng trực tiếp mà không có phân biệt rạch ròi là dễ gây ra sự lạm dụng đối với người thi hành công vụ.

Những trường hợp được nổ súng lâu nay

Điều 22 pháp lệnh 16 quy định: Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc: Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng; Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Cụ thể:

a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;

e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:

Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Thái Sơn

>> Côn đồ chém đứt gân tay người thi hành công vụ
>> Chống người thi hành công vụ tăng mạnh vì “nhờn luật”
>> Chống người thi hành công vụ
>> Cần xác định hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp là chống người thi hành công vụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.