Mervin Singh, 37 tuổi, bị bắt vào tháng 11.2008 tại một chung cư bình dân ở khu Tampines, miệt đông bắc Singapore, với 1 chiếc hộp màu hồng, bên trong chứa 8 gói heroin tổng cộng 186,62 gr. Theo luật Singapore, người nào cố tình mang theo bên mình chất ma túy quy ra đủ 15 gr heroin sẽ bị kết án tử hình.
Tháng 10.2012, Singh bị kết án tử hình, bất chấp luật sư biện hộ rằng Singh không hề biết bên trong chiếc hộp là heroin, mà chỉ tưởng là thuốc lá, bởi anh ta là một tay chuyên bán thuốc lá lậu. Trước đó vài ngày, Singh đã bị hải quan bắt và phạt 500 SGD (8,5 triệu đồng) vì thuốc lá lậu. Một nhân viên của Cục Phòng chống ma túy (CNB) khi đó đã khẳng định là nhìn thấy Singh mở chiếc hộp và nhìn vào bên trong.
Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm với 3 thẩm phán tòa tối cao hôm 8.3 đã chỉ ra rằng nhân viên của CNB không thể nhìn thấy Singh có mở cái hộp hay không, bởi anh ta đứng cách Singh đến 81 m và không hề có ống nhòm. “Không có nhân viên CNB nào tại hiện trường có thể xác nhận là Singh đã mở hộp cả”, tòa kết luận. Chưa kể là chi tiết “nhìn thấy mở hộp” không hề có trong lời khai ban đầu của nhân viên CNB. Mặt khác, kết quả giảo nghiệm chiếc hộp và tờ giấy báo gói hộp không hề tìm thấy vật chất di truyền ADN của Singh. Ngoài ra, theo “cân bằng xác suất”, không đủ cơ sở để quy kết rằng kinh nghiệm buôn thuốc lá lậu có thể giúp Singh biết rằng chiếc hộp chứa heroin, tòa phúc thẩm nhận định. Tổng hợp các yếu tố, tòa phúc thẩm tuyên Singh không phạm tội buôn lậu ma túy. Singh thoát án tử hình, nhưng vẫn tiếp tục bị giam giữ vì tội sử dụng ma túy trái phép.
Trái lại, cùng bị bắt, bị kết án, rồi cùng ra tòa phúc thẩm với Singh, nhưng Subashkaran Pragasam, 29 tuổi, tiếp tục bị y án treo cổ. Pragasam được biết là người mang chiếc hộp từ căn hộ của anh ta ở tầng 10 tòa chung cư và đặt nó vào thang máy để Singh đến lấy ở tầng trệt. ADN của Pragasam cũng được tìm thấy trên chiếc hộp và giấy báo gói hộp.
Tòa phúc thẩm chỉ rõ: Hai bị cáo can dự vào hai giai đoạn khác nhau của cùng một giao dịch, và các yếu tố cấu thành tội cũng khác nhau. “Với những yếu tố cấu thành tội khác nhau, việc kết luận một người kháng án là có tội không tự động dẫn tới việc kết luận người kháng án khác cũng có tội như vậy”, tòa giải thích về phán quyết của mình.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Bình luận (0)