(TNO) Dự thảo lần 3 về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT) do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì đã loại bỏ quy định xử phạt với phương tiện không chuyển quyền sở hữu.
>> Thông tư 11 xử phạt xe không chính chủ: Chỉ có hiệu lực trong… 2 tháng ?
>> Từ 15.4, xử phạt xe "không chính chủ
>> Chưa xử phạt xe không chính chủ vì "chờ” thông tư
Bộ Công an vẫn đề nghị phạt
Chiều 11.3, tại hội thảo góp ý về sửa đổi nghị định, bà Lê Minh Châu, Phó vụ trưởng Vụ ATGT, thành viên Ban soạn thảo, cho biết sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận và các bộ ngành, Ban soạn thảo kiến nghị chưa đưa quy định xử phạt với phương tiện không chuyển quyền sở hữu vào dự thảo lần 3. Về xử phạt với chủ phương tiện không mua, nộp phí giao thông theo quy định, Ban soạn thảo kiến nghị đưa sang quy định về xử phạt trong lĩnh vực giá, phí và lệ phí, đảm bảo tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.
Giải thích rõ hơn, bà Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho hay: Về chuyển quyền sở hữu khi đăng ký lại xe cơ giới, đây là hành vi vi phạm được quy định trong luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn dưới luật. Nếu không thực hiện đăng ký lại và sang tên thì sẽ bị xử phạt trong nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là hoàn toàn chính xác.
Tuy nhiên, hệ thống văn bản hướng dẫn hiện nay có một số vấn đề chưa thật rõ ràng, kiến nghị tạm thời nghị định lần này chưa đưa vào. Khi hệ thống văn bản hướng dẫn được đầy đủ, mức lệ phí cũng giảm xuống, khi đó Ban soạn thảo mới đề nghị Chính phủ đưa vào.
|
Tuy nhiên, góp ý cho dự thảo, ông Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT đường sắt - đường bộ (Bộ Công an) đề nghị vẫn đưa vào hành vi không sang tên đổi chủ. Lý giải cho đề nghị này, ông Hà cho rằng: một là các văn bản luật đã đưa vào, tránh tình trạng luật làm không chuẩn, không vào cuộc sống được hoặc đưa vào mà không thực hiện. Xử phạt với hành vi không sang tên đổi chủ không phải là mới, cơ quan công an đã thực hiện và dân đã chấp hành, chủ yếu khi thực hiện nghị định 71 theo đề nghị nhiều ngành do mức phạt cao nên dân phản ứng. Chính phủ giao Bộ Tài chính đang chỉnh sửa lại mức phí.
Thứ 2, hành vi này được quy định trong luật Giao thông đường bộ và Thông tư 36 của Bộ Công an.
Thứ 3, có hướng dẫn với người mượn không bị xử phạt, nhưng nếu giao cho người không đủ năng lực mượn thì vi phạm luật dân sự, sẽ bị xử phạt.
Sẽ xử phạt mũ không đủ tiêu chuẩn
Theo bà Trịnh Minh Hiền, phí đường bộ là giao thoa giữa hệ thống văn bản phí, lệ phí và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhưng đưa vào nghị định xử phạt vi phạm phí, lệ phí thì hợp lý hơn. Về mũ bảo hiểm (MBH), Ban soạn thảo thống nhất ngoài hành vi không đội MBH và đội không cài quai đã bị quy định xử phạt từ trước tới nay, loại mũ kiểu dáng tương tự MBH (nhưng không đủ 3 yếu tố cấu thành là vỏ, lớp chống va đập và cài khóa quai) cũng sẽ được đưa thêm vào dự thảo. Khi nghị định có hiệu lực, cơ quan chức năng sẽ xử phạt cả với loại mũ này.
Theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Ban soạn thảo nghị định cần tiếp thu, giải trình các góp ý cũng như đóng góp của người dân, điểm nào cần tiếp thu thì tiếp thu, nếu không phải giải trình vì sao. “Đừng để quyền hiểu thuộc về người thực thi công vụ thì chết dân, phải bình đẳng, nếu không hiểu rõ sẽ dẫn đến tranh cãi giữa người thực thi và người dân, tránh khuynh hướng hiểu kiểu gì cũng được”, ông Thăng yêu cầu.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu Ban soạn thảo phải rà soát lại tất cả các mức xử phạt cũng như nội dung xử phạt trong dự thảo.
Mai Hà
Bình luận (0)