Trong chuyến khảo sát tại tỉnh Bến Tre, để đến được với một hộ dân ở một xã, cả ekip phải di chuyển bằng xe gắn máy tới vài chục cây số trên những con đường đất bụi mù, hay những ngõ sâu hút, trơn trượt sau những cơn mưa, hay vượt qua những lối đi nhỏ hẹp nằm giữa hai bên kênh mương chằng chịt, lá dừa đua nhau đan kín cả mặt người.
|
Gia đình anh Trần Văn Hải ở Ấp 4, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là một câu chuyện đời buồn. Căn nhà lá xiêu vẹo, giột nát, trống huơ, trống hoác, đã lâu ngày thiếu vắng sự vun vén của người vợ, người mẹ. Ba đứa trẻ đang tuổi đến trường và người bố vóc dáng bé nhỏ, quanh năm đi xa làm thuê để lo cuộc sống cả nhà, đành phó mặc mấy con, đứa lớn đùm đứa bé, nhặm nhuội trong căn nhà giột nát giữa cánh đồng mông quạnh. Nghe tiếng nấc nghẹn ngào của bé Tuyết, con anh Hải, tất cả ekip Lục lạc vàng có mặt ở đó đều thấy rưng rưng, day dứt, nhất là khi Tuyết nói: “ Con chỉ ước mẹ trở về với cha và con, con mong mẹ sẽ không bao giờ bỏ đi nữa…”. Niềm khát khao của cô bé mới tuổi mười ….đã sớm phải thay cha, vừa làm chị, vừa làm mẹ để chăm hai đứa em thơ dại biết bao giờ mới trở thành hiện thực?
|
Trong chuyến khảo sát hộ dân tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, chúng tôi bị ám ảnh khi tới ngôi nhà của bà Trần Thị Huề ở xã Đại Điền, ở đó là một gia đình có nhiều thế hệ bất hạnh, người chồng phải nằm một chỗ sau cơn tai biến nặng, cô con gái riêng của bà Huề với người chồng trước bị mắc bệnh tâm thần lại là người mẹ đơn thân sinh một bé trai khôi ngô hiện đang học lớp ba dù không biết ai là cha đẻ. Hằng ngày, bà Huề và cô con gái út đang học lớp 11 phải thay nhau chăm sóc người chồng, người cha đang nằm liệt giường. Người con gái lớn dù bị tâm thần lúc tỉnh, lúc mê, nhưng vẫn hiểu được là phải lao động để có được cái ăn hàng ngày. Còn bé Vàng, sau buổi đi học cũng mò cua bắt ốc, phụ vào cuộc sống gia đình. Ẩn sâu trong đôi mắt thông minh của cậu bé là nỗi buồn ngơ ngác về số phận côi cút và tuổi thơ bất hạnh. Mặc dù không được tỉnh táo như mọi người, nhưng mẹ của Vàng cũng thương con như bao người mẹ bình thường khác. Nghe chị nhẹ nhàng bảo ban đứa con trai bé bỏng cách thức trồng và chăm sóc gốc dừa non như thế nào, chúng tôi cùng hiểu rằng, đằng sau cái dáng vẻ khù khờ và vụng dại kia là niềm yêu thương của một người mẹ, dẫu đơn côi, thiệt thòi nhưng vẫn đầy ắp tình mẫu tử, dịu dàng và thuần phác đến nao lòng. Hình ảnh cây dừa nhỏ đang đâm chồi gợi lên niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng rồi sẽ đến với mẹ con cậu bé Vàng và với cả gia đình bà Trần Thị Huề.
Gia đình anh Trần Văn Hải hay gia đình bà Trần Thị Huề nằm trong số hàng trăm gia đình khác trong cả nước đã được nhận cặp bò từ chương trình “ Lục lạc vàng ”. Đến với mỗi vùng đất, mỗi miền quê, mỗi gia đình hay mỗi cảnh đời khác nhau, hành trình Lục Lạc vàng đều đem đến niềm vui và sự tin yêu. Tiếng chuông Lục lạc vàng không chỉ reo vang khi các hộ dân được nhận cặp bò, mà còn ngân nga mãi trên từng nẻo đường xa, trong từng thôn xóm, bản làng trong suốt những chặng đường mà Lục lạc vàng đã và đang đi tới.
THÔNG TIN DỊCH VỤ
>> Đổi mới chương trình "Lục lạc vàng
>> Ngân vang Lục lạc vàng
>> Đi học làm giàu từ Lục lạc vàng
>> Lục lạc vàng tăng tốc
Bình luận (0)