Sự khác biệt đó bắt đầu từ việc lựa chọn ngành nghề cho tương lai, qua chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức.
|
Chọn một “lối rẽ trái”
Ngay khi chương trình bắt đầu, rất nhiều học sinh (HS) đã đặt câu hỏi. Trong đó, một số câu khiến cả sân trường bất ngờ, thích thú vì không hỏi về quy chế, thông tin đơn thuần, nhưng lại rất thiết thực và bổ ích. “Thưa thầy cô, làm sao em biết mình có điểm khác biệt đối với những người xung quanh? Khi chọn ngành nghề thì sự khác biệt có tốt hay không?”, một HS lớp 12A2 Trường THPT Đức Trọng thắc mắc.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, khuyên: “Trong cuộc sống, sự khác biệt sẽ dễ đạt được thành công hơn. Các em đang đứng trước thời điểm chuẩn bị nộp hồ sơ, thì việc tìm ra sự khác biệt của bản thân để chọn được một ngành học quyết định cho sự thành công trong tương lai, cũng rất quan trọng. Các em có đủ mạnh mẽ và tự tin chọn cho mình ngành nghề mà như một số người gọi là “lối rẽ trái” hay không, trong khi có rất nhiều người rủ nhau rẽ phải? Đó chính là sự khác biệt. Sau này, khi đi xin việc, sẽ có nhiều nhà tuyển dụng muốn đặt câu hỏi: Anh chị nghĩ tại sao công ty chúng tôi lại chọn anh chị chứ không chọn người khác? Lúc đó, các em cần phải thể hiện thế mạnh của bản thân, những suy nghĩ, hành động đặc biệt chỉ bạn có mà người khác không có, hoặc có nhưng rất ít, để thuyết phục họ, rằng họ chọn bạn là đúng”.
Tiến sĩ Thành chia sẻ thêm để biết mình có điểm khác biệt hay không thì phải biết phân tích mình có điểm mạnh, điểm yếu nào và so sánh với nhiều người, phải luôn là mình chứ không lẫn lộn vào ai khác. “Các em cũng không nên nhầm lẫn sự khác biệt với cá biệt, vì cá biệt là lẻ loi giữa tổng thể, không thể hòa nhập với số đông, còn khác biệt là sự nổi trội giữa đám đông. Tuy nhiên, khi tìm ra sự khác biệt của bản thân, các em cũng cần phải học hỏi không ngừng để vững vàng chuyên môn, tự tin, năng động mới có thể thành công”, tiến sĩ Thành nhấn mạnh.
Có lẽ bên cạnh những lời khuyên ý nghĩa của các chuyên gia tư vấn, thì những thông tin mà thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cung cấp đã giúp thầy và trò huyện Đức Trọng nhận biết được mình đang đứng ở vị trí nào giữa số đông. Đó là trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012, mức điểm trung bình của HS THPT Đức Trọng là 13,8, xếp thứ 4 trên tổng số 61 trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh Lâm Đồng. Với mức điểm này, hầu hết các em đều có thể trúng tuyển vào một trường ĐH hay CĐ nào đó.
|
Muốn trồng hoa, quản lý rừng
Lâm Đồng là tỉnh có thế mạnh về trồng trọt và tài nguyên rừng, do đó không ít HS bày tỏ nguyện vọng được học những ngành liên quan đến trồng hoa, cây cảnh hoặc quản lý tài nguyên rừng. Thạc sĩ Vũ Thu Hương, đại diện Trường ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 2), tư vấn: “Các em có thể học ngành lâm sinh chuyên nghiên cứu, gieo ươm, chăm sóc, trồng cây xanh cho đường phố, cảnh quan. Khi tốt nghiệp, các em sẽ làm việc ở các doanh nghiệp về cây xanh, các sở, phòng NN-PTNT. Còn sinh viên ngành quản lý rừng (kiểm lâm) sẽ làm ở các sở, phòng phát triển nông nghiệp, các chi cục kiểm lâm hoặc tham gia tổ chức của thế giới về bảo tồn động vật hoang dã, cảnh sát môi trường…”. Bên cạnh Trường ĐH Lâm nghiệp còn có Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng đào tạo những ngành này, như nông học, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, quản lý tài nguyên rừng…
Trả lời câu hỏi khá ngộ nghĩnh của một HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám, rằng làm thế nào để thuyết phục bạn gái đồng ý cho mình học ngành liên quan đến rừng, trong khi bạn gái muốn mình theo học kinh tế để có cơ hội làm… giám đốc, thạc sĩ Lê Văn Phùng, Trưởng phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, dí dỏm: “Ngoài sự ga lăng, quan tâm tới bạn gái, thì em cần phải thể hiện mình có kiến thức chuyên môn vững vàng để sau này ra làm việc tốt, khẳng định mình cũng có thể trở thành một ông giám đốc quản lý tài nguyên, hoặc chi cục trưởng chi cục kiểm lâm… Chắc chắn bạn gái em sẽ đồng ý!”.
Thạc sĩ Trần Thanh Long, đại diện Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, tư vấn thêm: “Dù học ngành nghệ thuật hay kỹ thuật, kinh tế hay trồng trọt, bác sĩ hay chăn nuôi, thì chúng ta đều có thể làm cuộc sống tốt hơn nếu có tài năng và khả năng chuyển những trí tuệ, tài năng đó thành tài chính. Do đó, các em hãy luôn cố gắng nuôi dưỡng và theo đuổi đam mê của mình, bằng sự khác biệt, bằng sự học tập không ngừng”.
Trong buổi chiều 10.3, chương trình đến với học sinh Trường THPT Di Linh. Tuy là một trường nằm ở huyện xa xôi của tỉnh Lâm Đồng nhưng học sinh tại đây rất ham học. Mỗi năm, trường luôn nằm trong top 5 trường có số lượng học sinh đỗ tốt nghiệp và trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ cao nhất tỉnh.
Trước sự nhiệt tình của Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và học sinh trong trường, thời gian tư vấn lớp đã kéo dài hơn dự định và so với thời gian tư vấn ở nhiều trường THPT khác. Các chuyên gia tư vấn gần như phải trả lời liên tục không ngơi nghỉ thắc mắc của học sinh các lớp.
Lực học trung bình không nên chọn trường có điểm chuẩn cao Tiến sĩ Lê Cao Phan, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Lâm Đồng, đưa ra lời khuyên: “Thời gian làm hồ sơ sắp đến, việc trình bày hồ sơ cũng sẽ thể hiện cái tâm của các em về một ngành nghề mà mình theo đuổi. Do đó, các em nên viết thật cẩn thận, sạch sẽ, mạch lạc để những người tiếp nhận thấy được sự trân trọng của các em đối với việc học”. Trong tỉnh có huyện Đam Rông thuộc 62 huyện nghèo nằm trong diện được xét tuyển mà không phải thi, do đó ông Phan cũng lưu ý: “Em nào được xét tuyển, hoặc dù phải thi tuyển thì cũng nên chọn một ngành học, trường học phù hợp với năng lực của mình. Nếu điểm 3 năm THPT và điểm tốt nghiệp ở mức trung bình thì không nên nộp đơn xét tuyển hoặc thi vào những trường có điểm chuẩn quá cao, vì như vậy các em sẽ bị mất cơ hội”. |
Báo Thanh Niên xin cảm ơn Sở GD-ĐT, Đài PT-TH, Viễn thông Lâm Đồng, Ban giám hiệu các trường THPT: Đức Trọng, Di Linh, Bùi Thị Xuân, Trần Phú đã phối hợp tổ chức thành công chương trình. Cảm ơn Công ty cổ phần thực phẩm Lâm Đồng đã tặng 500 cuốn cẩm nang tuyển sinh (do Báo Thanh Niên phát hành); các đơn vị tặng học bổng Nguyễn Thái Bình trị giá 1 triệu đồng/suất: Viễn thông Lâm Đồng tặng 10 suất, ĐH Yersin 4 suất, ĐH Văn Hiến và ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 2) cùng ĐH Lạc Hồng tặng 15 suất; Công ty Phú Gia Phát (Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã tài trợ kinh phí thực hiện tại địa phương. Cảm ơn Công ty cổ phần vận tải và du lịch Phương Trang hỗ trợ xe đưa đón đoàn tư vấn… |
Mỹ Quyên - Đăng Nguyên
|
Bình luận (0)