Mùa ong làm mật

13/03/2013 10:22 GMT+7

Vào tháng ba, những vườn cao su, cà phê ở Bình Phước nở hoa trắng xóa, tỏa hương thơm ngào ngạt, báo hiệu mùa của những người nuôi đưa ong từ các nơi về đây làm mật.

Dọc theo tuyến quốc lộ 13, 14 đoạn qua tỉnh Bình Phước, giữa những đồi cao su, cà phê chúng tôi dễ dàng bắt gặp những trại ong di động. Có nơi, trại ong tập kết ngay trong vườn cao su. Mỗi trại đều có số lượng đàn ong khá lớn với hàng trăm thùng được xếp san sát nhau.

Đưa ong đi tìm mật

Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Quốc Bình (xã An Phú, TX. Bình Long, Bình Phước), một thợ nuôi ong gần 20 năm nay, để thăm những con ong lấy mật. Ông Bình cho biết từ khoảng giáp tết đến tháng ba (dương lịch) hàng năm là mùa mật- mùa của những người thợ đưa ong đi tìm mật. Để có sản lượng và chất lượng mật cao, mỗi năm người nuôi ong phải di chuyển đàn ong đến những vườn cây có nhiều hương hoa từ 5-6 lần. Việc di chuyển đàn ong phải thực hiện trong đêm để tránh sự  phân tán đàn hay bị chết do thay đổi khí hậu đột ngột. Loại cây để ong lấy mật tốt nhất là cây ăn quả, điều, cà phê và đặc biệt là cao su. Ông Bình nói: “Ít người biết rằng, không chỉ ở các loài hoa mà ngay cả những lá cao su úa vàng cũng tiết ra một lượng mật khá lớn. Bên cạnh đó, những chồi non mới nhú của cây cao su cũng tiết ra một lượng mật đáng kể và cũng là nguồn mật lớn cho bầy ong”. Cũng theo ông Bình, cái khó nhất gặp phải là kỹ thuật nuôi ong vì nước ta việc nuôi ong lấy mật khá hiếm hoi. Ông Bình cho biết: “Hiện gia đình tôi đang nuôi gần 1.000 đàn ong, mỗi đàn là 1 thùng, mỗi thùng khoảng 11 cầu ong, mỗi cầu ong có thể thu từ 5-8 kg mật. Uớc tính trong năm nay, gia đình có thể thu khoảng 50 tấn mật, cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng, trong đó lãi ròng khoảng 200 triệu đồng”.

Cũng sinh sống bằng nghề nuôi ong là anh Bùi Ngọc Cảnh (35 tuổi, quê Bến Tre). Với kinh nghiệm 6 năm trong nghề, anh Cảnh cho biết: “Loài ong lấy mật, ngoài bột đậu nành, phấn hoa, đường trắng, sữa tươi… thì nguồn thức ăn chính tạo lượng mật lớn và chất lượng cao là từ mật các loài hoa. Và đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất dẫn tới rủi ro của nghề nuôi ong. Bởi vì: “Gia đình tôi có 300 đàn ong. Mỗi đàn đầu tư hết 1 triệu đồng/mùa. Không theo cẩn thận, ong mà chết thì mình cũng chết” - anh Cảnh, nói.

Mùa ong làm mật
Thợ nuôi ong của gia đình ông Bình đang cho ong đi tìm mật - Ảnh: PHƯỚC HIỆP

Phải chăm chỉ như ong

Theo ông Bình, nuôi ong rất vất và vì phải tìm nguồn thức ăn thiên nhiên cho ong, càng nhiều càng tốt. Đến mùa vụ, muốn ong cho nhiều mật thì phải chịu khó di chuyển đàn ong tới các vùng trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều, cây ăn trái, hoa rừng... có quy mô lớn. Mỗi năm, ông Bình đã di chuyển đàn ong nhiều lần, có khi lên tận Đắk Lắk để đón mùa hoa cà phê, hay xuống Tiền Giang, Bến Tre… đón mùa cây ăn trái đơm bông. Ông Bình tâm sự, nghề nuôi ong coi vậy dễ mà khó. Dễ với những người đam mê, thích học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề, nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi, không chịu đầu tư kỹ thuật. Có người học vài tháng đã thành công nhưng có người học đến 3 năm vẫn chưa thuần thục. Thậm chí, nhiều người sau và tháng thử nghiệm đã phải bỏ nghề. Còn vợ ông Bình thì tâm sự: “Nuôi ong công sức và thời gian chỉ bằng nửa làm rẫy và ít hao phí sức lực, song lại đòi hỏi bản thân phải khéo léo, nâng niu, chăm bẵm ong như con trẻ. Chính mỗi người nuôi ong cũng phải chăm chỉ như con ong”.

PHƯỚC HIỆP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.