35 ĐH gia nhập Coursera, edX
Hai nhà cung cấp MOOC hàng đầu của Mỹ Coursera và edX vừa thông báo số viện, ĐH đối tác tham gia cung cấp MOOC miễn phí tăng lên gần gấp đôi, theo AP.
Cụ thể, Coursesa có thêm 29 đối tác, trong đó có 16 ĐH nước ngoài, như ĐH Hồng Kông (Trung Quốc), ĐH Tokyo (Nhật Bản) và ĐH Quốc gia Singapore. Theo đó, trong vài tháng tới sẽ có thêm 92 MOOC được thực hiện qua Coursera, với một số khóa được dạy bằng tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Hoa và Ý. Coursera, do hai giáo sư ĐH Stanford Andrew Ng và Daphne Koller thành lập, bắt đầu cung cấp MOOC miễn phí hồi tháng 4.2012. Tính đến nay, Coursera đã có 62 viện, ĐH đối tác, cung cấp tổng cộng 328 MOOC, thu hút hơn 2,9 triệu học viên. Thông tin các khóa học trên Coursera được đăng tại www.coursera.org.
|
Còn edX cũng vừa thu hút thêm 6 trường, trong đó có ĐH Quốc gia Úc và ĐH Toronto (Canada), nâng tổng số đối tác lên gấp đôi. Dự kiến, số MOOC miễn phí được cung cấp qua edX cũng sẽ tăng gấp đôi từ con số 25 hiện nay. EdX được ĐH Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts thành lập hồi tháng 5.2012 và đến nay đã thu hút 700.000 người đăng ký. Thông tin về các MOOC qua exD có tại www.edx.org.
ĐH Anh, Trung Quốc vào cuộc
Ngoài một số ĐH ở Anh và Trung Quốc đã tham gia cung cấp MOOC trên Coursera, nhiều ĐH khác ở 2 nước này cũng vừa lập chương trình đưa các khóa học lên mạng, tương tự như Coursera và edX.
ĐH mở của Anh cuối năm 2012 đã mở một công ty cung cấp MOOC miễn phí mang tên Futurelearn, thu hút 12 trường ở nước này tham gia. Trên website của mình tại http://futurelearn.com, Futurelearn thông báo sẽ mang đến người học hàng loạt khóa học qua mạng miễn phí từ các ĐH hàng đầu, nhưng chưa có thông báo về các khóa học dạng này. Đến cuối tháng 2 năm nay, David Willetts - Bộ trưởng phụ trách ĐH Anh - kêu gọi các ĐH ở xứ sở xương mù đầu tư vào các khóa học qua mạng nếu họ muốn tận dụng “cơ hội lịch sử”, theo BBC. Ông Willett chỉ ra rằng những nước như Ấn Độ và Indonesia đang có nhu cầu về học ĐH, tạo ra một thị trường cho các trường của Anh. Ông nhấn mạnh ĐH qua mạng sẽ trở thành một phần rất quan trọng trong việc mở rộng số sinh viên toàn cầu của Anh.
Còn tại Trung Quốc, việc học qua mạng đang trở nên phổ biến trong 2 năm qua, khi ngày càng có nhiều ĐH hàng đầu tham gia vào loại hình đào tạo này, theo Hoàn Cầu thời báo. Cụ thể, thành phố Thượng Hải hồi đầu tháng 3 đã bắt đầu thực hiện một chương trình mở lớp học trực tuyến liên ĐH dành cho sinh viên tại đây. Theo đó, khóa học đầu tiên mang tên “Nhập môn triết học” do ĐH Phúc Đán cung cấp đã thu hút hơn 1.000 sinh viên. Bên cạnh đó, ĐH Bắc Kinh - trường ĐH danh tiếng ở Trung Quốc - cũng vừa bắt đầu đưa những bài giảng của trường lên mạng. “Chúng tôi vừa sản xuất hàng chục đoạn băng về các bài giảng và sẽ nỗ lực gia tăng chất lượng để chia sẻ với công chúng... Tôi có một ước mơ rằng bất kỳ ai muốn học ĐH Bắc Kinh đều có thể biến ước muốn của họ thành hiện thực”, Hoàn Cầu thời báo dẫn lời Hiệu trưởng ĐH Bắc Kinh Châu Kỳ Phụng cho hay.
Trước đó, Giám đốc quản lý Ryan Craig tại ĐH Ventures (Mỹ) nhận định với Đài Fox Business: “Năm 2013 sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh nhất từ trước tới nay của các khóa học và chương trình đào tạo cấp văn bằng qua mạng”. Còn tiến sĩ Rahul Choudaha - Giám đốc nghiên cứu và dịch vụ tư vấn Tổ chức Giáo dục thế giới (Mỹ) - nhận định MOOC sẽ không thể thiếu trong chiến lược phát triển của nhiều ĐH hàng đầu trên toàn cầu.
Minh Trung
>> Tranh cãi cấp tín chỉ các khóa học qua mạng đại trà
>> Học qua mạng chưa thể thay thế truyền thống
>> Tính phí chứng nhận khóa học qua mạng
>> Chọn khóa học qua mạng hiệu quả
>> 195 khóa học qua mạng miễn phí
>> Học qua mạng với trường danh tiếng
Bình luận (0)