(TNO) Sáng 15.3, tại hội thảo do Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, vấn đề sở hữu, thu hồi đất đai của dân nêu trong Dự thảo luật Đất đai sửa đổi (gọi tắt là dự thảo) thu hút nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu.
Về sở hữu đất đai, một số ý kiến cho rằng, cần có nội dung xác định cơ sở của quan điểm “đất đai là sở hữu toàn dân” để làm thông suốt nhân dân. Đồng thời cũng cần xác định các tài nguyên khác như rừng núi, sông ngòi, hải đảo, vùng trời… là tài sản quốc gia và thuộc sở hữu toàn dân.
Nếu xác định “đất đai là sở hữu toàn dân” và “Nhà nước thống nhất quản lý” như đã nêu trong dự thảo thì cần xác định rõ những hệ quả đương nhiên của quan điểm này, trước hết là đảm bảo thực hiện quyền dân có chỗ ở hoặc đất ở; quyền có việc làm cho lao động nông nghiệp ở nông thôn.
|
Mặt khác, cần quy định những biện pháp giám sát và chế tài nghiêm ngặt đối với quản lý nhà nước để hạn chế tình trạng thiếu trách nhiệm dẫn tới vi phạm nghiêm trọng kéo dài, điển hình như nạn phá rừng không ngăn chặn được, quặng mỏ bị đào bới khắp nơi như vô chủ.
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất đai do cơ quan nhà nước các cấp sử dụng lãng phí, các doanh nghiệp nhà nước lãng phí hoặc sử dụng không đúng mục đích chưa được đề cập một cách đầy đủ, kiên quyết và chưa có điều luật chế tài hiệu quả.
Theo ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho đến nay việc thu hồi đất là lý do phổ biến và quan trọng nhất của khiếu kiện và khiếu kiện đông người mà cơ quan chính quyền các cấp, kể cả cấp Trung ương vẫn không giải quyết ổn thỏa được.
“Nguyên nhân chủ yếu vì thu hồi đất đai thực chất là cưỡng ép thu hồi, là trưng thu, trưng mua theo những quy hoạch, kế hoạch tùy tiện, vô nguyên tắc của cấp chính quyền liên quan. Việc lấy đất trồng lúa làm hàng loạt sân golf quá dễ dãi, việc xây dựng bừa bãi các cảng biển, cấp đất cho các dự án khu dân cư không vì quốc kế dân sinh mà chạy theo nhu cầu, lợi nhuận của chủ dự án… diễn ra nhiều khắp từ Bắc đến Nam. Tình hình đó làm cho dân mất lòng tin nghiêm trọng”, ông nói.
Ông Phạm Chánh Trực đề nghị luật Đất đai (sửa đổi) cần có một chương riêng về “trưng dụng, trưng mua, trưng thu” đất đai. Trong trường hợp tối cần thiết vì an ninh quốc phòng, thiên tai, địch họa, vì quốc kế dân sinh, phúc lợi xã hội hoặc chính trị ngoại giao, thì nhà nước mới dùng đến các biện pháp như vậy.
Riêng đối với việc thu hồi vì các nhu cầu kinh tế thì phải do quan hệ thị trường quyết định, nếu có tranh chấp thì do các tòa án xét xử.
Các điều kiện để thực hiện “trưng dụng, trưng mua, trưng thu” phải minh bạch, chính đáng, đúng đắn và dễ hiểu.
Đình Phú
>> Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai tại Đà Nẵng
>> Thu hồi tiền sai phạm trong bồi thường đất đai
>> Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật Đất đai (sửa đổi)
>> Giải quyết khiếu kiện đất đai sai phải bồi thường
>> Xóa sổ “luật con” về đất đai
>> Luật Đất đai phải giải quyết được những vướng mắc về thu hồi đất
>> Cần giám sát đại diện chủ sở hữu về đất đai
>> Quốc hội thảo luận luật Đất đai sửa đổi
>> Khiếu nại, tố cáo đất đai: Nhiều cán bộ bao che cho cấp dưới làm sai
Bình luận (0)