Trong Tờ trình, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, công tác tiếp dân vừa qua còn bộc lộ nhiều bất cập, như việc tiếp công dân còn hình thức, chưa hiệu quả, có tình trạng khoán trắng cho công chức tiếp công dân; có nơi còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ không đúng mực đối với người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tình trạng né tránh trách nhiệm, hướng dẫn công dân không đúng quy định vẫn còn xảy ra…; chưa quy định rõ việc tiếp công dân của người đứng đầu với việc tiếp công dân của công chức. Nguyên nhân cơ bản dẫn tới các tồn tại trên, theo Chính phủ, là do chưa có văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực tiếp công dân.
Theo Tờ trình, dự luật gồm có 10 chương, 71 điều, trong đó có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị (gọi tắt là người đứng đầu) trong vấn đề tiếp dân. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng; Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh tiếp ít nhất 2 ngày/tháng và với cấp xã thì tiếp ít nhất 1 ngày/tuần.
Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không giải quyết hoặc giải quyết không đúng thời hạn các khiếu nại tố cáo do Trụ sở tiếp công dân chuyển đến thì người phụ trách Trụ sở tiếp công dân, Chánh thanh tra đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Bảo Cầm
Bình luận (0)