“Khu phòng trọ tôi xây dựng từ nhiều năm nay nhưng chưa hề có một vụ mất cắp, xung đột gì đáng kể giữa những người thuê trọ hay giữa họ với những người bên ngoài… Mọi người ở trọ đối xử với nhau như anh em trong nhà. Mỗi sự xuất hiện của người lạ đều được mọi người ở khu nhà trọ ghi nhận và cảnh giác cao độ”, ông Phạm Văn Hội, chủ nhà trọ tại số 100 đường 154, KP.3 (P.Tân Phú) hồ hởi nói về mô hình “nhà trọ không tội phạm ẩn náu” ông đang thực hiện. Khu nhà trọ của ông Hội có 10 phòng, được xây cất khang trang, có cổng ra vào chắc chắn, giá thuê 600.000 đồng/tháng/phòng nhưng rất hiếm khi trống phòng.
|
Bước vào khu trọ của bà Trần Thị Gái, số 128, KP.6 (P.Tân Phú), chúng tôi cảm nhận được sự an toàn, thân thiện, sạch sẽ và thoáng mát. Muốn thuê phòng nhà bà Gái, người thuê phải xuất trình giấy tờ tùy thân và nộp hình để đăng ký tạm trú tại địa phương. Không những quan sát kỹ lưỡng, bà Gái còn “điều tra” kỹ càng về nhân thân, công ăn việc làm của người ở trọ. “Tôi thà để phòng trống chứ không chấp nhận những người không có lai lịch rõ ràng, mặt mày bặm trợn, gian dối vào thuê phòng để rồi dẫn đến những sự việc không hay”, bà Gái nói.
Bà Gái cho biết, trước đây khu nhà trọ của bà hay xảy ra mất cắp hoặc xung đột giữa những người ở trọ, nên thường xuyên bị công an kiểm tra nhắc nhở. Từ khi áp dụng mô hình “nhà trọ không tội phạm ẩn náu”, với 5 nội dung chính là: cam kết không vi phạm pháp luật; không bao che tội phạm và các loại tệ nạn; không để xảy ra cháy nổ, mâu thuẫn trong những người ở trọ; không để xảy ra các vụ trộm cắp, đánh nhau, gây rối, tàng trữ vũ khí vật liệu nổ, văn hóa phẩm đồi trụy, tàng trữ, sử dụng ma túy và các tệ nạn xã hội khác tại khu nhà trọ; không có người thuê là đối tượng truy nã, tình hình đã khác. Những người ở trọ cũng phải ký cam kết chấp hành đầy đủ 5 nội dung trên khi ký hợp đồng thuê.
Không chỉ buộc người ở trọ phải đảm bảo thực hiện các quy định của nhà trọ và pháp luật, bà Nguyễn Thị Mỹ, chủ khu trọ gần 20 phòng tại số 123 Nguyễn Văn Tăng (P.Long Thạnh Mỹ) còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt cùng người trọ. Qua đó bà có thể nắm bắt kỹ hơn tình hình trong dãy trọ cũng như để mọi người đoàn kết, hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau những khó khăn…
Đại úy Nguyễn Viết Hận, Phó đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Q.9 (TP.HCM), cho biết mô hình “nhà trọ không tội phạm ẩn náu” đã được thực hiện 2 năm nay ở hơn 3.000 nhà trọ trên địa bàn 13 phường của quận. Mô hình ra đời đã hạn chế tối đa người có lý lịch bất minh tới thuê trọ. Trong quá trình triển khai, Công an Q.9 tổ chức định kỳ tuyên truyền cho các chủ nhà trọ về luật Cư trú, cũng như cách nhận biết đặc điểm, phương thức hoạt động của các loại tội phạm… Ngoài ra, công an phường thường xuyên kiểm tra hành chính đột xuất các khu trọ cũng như người thuê trọ. “Mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác
quản lý người đến thuê trọ trên địa bàn quận, góp phần phòng ngừa các loại tội phạm ở khu dân cư”, đại úy Hận nói.
Công Nguyên - Sỹ Bình
>> Nỗi niềm công nhân đón tết ở nhà trọ
>> Truy xét vụ giết người tại nhà trọ
>> Nam sinh viên đột tử tại nhà trọ
>> Chưa ai vay được tiền xây nhà trọ
>> Xử lý 27 chủ nhà trọ lấy điện giá cao
Bình luận (0)