Duyên sâm
|
Theo chân anh Nguyễn Phú Tuấn (50 tuổi, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) vào khu vực Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng), chúng tôi bất ngờ khi nhìn thấy một “cánh đồng sâm” mênh mông xanh tốt. Anh Tuấn kể, đầu năm 2009, vợ chồng anh chuẩn bị triển khai dự án trồng rau trên diện tích đất được giao tại VQG. Qua một người bạn, anh gặp PGS-TS Trần Công Luận, Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về cây dược liệu tại Lâm Đồng (trong đó có cây sâm tự nhiên này). Qua trao đổi, thấy anh đam mê trồng cây dược liệu, TS Luận rủ tham gia cộng tác nhân giống và trồng cây thượng đảng nhân sâm tại nông trại của gia đình. Từ thông tin của vị TS này, anh Luận tìm hiểu thêm và biết được đây là cây dược liệu quý, có tên khoa học là Campanumoea javanica Blume, thuộc họ hoa chuông (campanulaceae) và có tên khác là: phòng đẳng sâm, đảng sâm mà trong Đông y hay sử dụng nên quyết định "lao" vào cây sâm này.
|
Tháng 3.2009, anh bắt đầu trồng thử nghiệm 1.000 cây giống ban đầu trong nông trại của mình nhưng được một thời gian ngắn thì cây rụi lá chết dần, chỉ còn sống khoảng 50 cây. Anh tìm đến các nhà khoa học, các chuyên gia dược liệu mới biết, do việc làm đất không đủ độ tơi xốp và lên luống quá thấp trong khi lại tưới nước nhiều nên cây bị ngập úng mà chết. Từ 50 cây còn lại anh đem tách chồi, đưa vào vườn ươm, vừa nhân giống vừa trồng, cuối cùng cây thượng đảng nhân sâm cũng đã phủ kín gần 10 ha đất trong nông trại của anh. Được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây đảng sâm tỏ ra rất thích hợp với vùng đất này nên phát triển tốt. Cuối năm 2011 anh bắt đầu thu hoạch, năng suất khoảng 2 tạ/ha. Chuẩn bị sẵn cây giống, thu hoạch xong luống nào là anh tiến hành làm đất và trồng lại nên vườn sâm luôn được thay thế kịp thời. Vui mừng với thành quả đạt được, anh Tuấn liền đưa củ sâm đi kiểm nghiệm với kết quả hàm lượng saponin toàn phần (hoạt chất chính tạo nên công dụng của sâm) đạt 6,37% (chuẩn là 3%). Đầu năm 2012, chị Huỳnh Thị Bích Thu (vợ anh Tuấn), Giám đốc Công ty TNHH Cao Lâm đã công bố sản phẩm củ sâm tươi này do công ty của gia đình sản xuất đảm bảo chất lượng. Sau đó, Sở Y tế Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận (thời hạn 3 năm) cho sản phẩm phù hợp với các quy định hiện hành về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và được phép lưu hành nếu thương nhân bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng như đã công bố. Tháng 3.2012, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng cũng cấp giấy chứng nhận củ sâm tươi của công ty gia đình anh Tuấn đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh (cũng thời hạn 3 năm).
|
Cây sâm của người nghèo
Có được sản phẩm đủ chất lượng cùng với “giấy thông hành” được cấp, anh Tuấn đưa củ sâm về các siêu thị, cửa hàng lớn ở TP.HCM và các tỉnh khác tiêu thụ hoặc bán cho công ty dược với giá từ 300.000 - 1 triệu đồng/kg. Nhưng đó không phải mục tiêu lớn nhất của anh Tuấn. “Trong đầu tôi luôn suy nghĩ, tại sao mình trồng được sâm tốt mà lại phải mua sâm ở nước ngoài với giá một bình rượu mất cả hơn chục triệu đồng? Sao mình không trồng thành cây thương phẩm rồi phân phối ra thị trường với giá thành phù hợp sao cho dân ta ai cũng được dùng sâm để bồi bổ sức khỏe như món ăn thường xuyên trong mọi gia đình?”, anh Tuấn tâm sự. Hiện anh đang thực hiện nghiên cứu bảo quản sau thu hoạch và chế biến đảng sâm nhằm tạo ra các sản phẩm đa dạng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, dược phẩm. Đồng thời sẽ đẩy mạnh đầu tư trồng cây đảng sâm này theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp toàn quốc và hướng đến hạ giá thành củ tươi còn khoảng một vài trăm ngàn đồng/kg.
PGS-TS Trần Công Luận, Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM, cho hay do tình trạng phá rừng và thu hái cạn kiệt nên đảng sâm đang có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên, và hiện loài này đã nằm trong sách đỏ Việt Nam. Trung tâm đã từng phân tích về chất lượng của đảng sâm trồng ở chỗ anh Tuấn, cho thấy chất lượng đạt khá tốt. “Đảng sâm được mệnh danh là sâm của người nghèo được dùng từ thời danh y Lý Thời Trân ở Trung Quốc (đời Minh). Điều này là do đảng sâm dễ trồng, khoảng 3 năm tuổi thì thu hoạch và rẻ tiền hơn nhân sâm (sâm Hàn Quốc). Tuy không quý bằng nhân sâm nhưng rễ đảng sâm (bộ phận chủ yếu dùng làm thuốc) cũng có tác dụng tương tự nhân sâm như: bổ, tăng lực và chống stress. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rễ đảng sâm cũng có tác dụng hạ đường huyết, điều hòa miễn dịch như nhân sâm và sâm Ngọc Linh. Hiện nay rễ đảng sâm được dùng khá phổ biến trong các bài thuốc bồi bổ cơ thể, chữa suy nhược, ho nhiều đờm, vàng da...”, TS Luận cho biết thêm.
Gia Bình
>> Trở lại vùng sâm Ngọc Linh sau 40 năm
>> Trồng thành công sâm Ngọc Linh vô tính ở Lâm Đồng
>> Chơi sâm Ngọc Linh
Bình luận (0)