Tại đây, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) đưa ra nhận xét: “Cà Mau là tỉnh thực hiện tốt nhất công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Cà Mau là 1 trong 47 tỉnh, thành có Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện có 9/9 huyện, thành phố có tổ chức hội. Nhiều xã, phường, thị trấn, khu vực buôn bán tập trung cũng đã thành lập Chi hội. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã giải quyết tốt các vụ việc tố cáo, đơn thư khiếu nại, ý kiến phản ánh liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chân chính. Năm 2012, các cấp hội đã phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh trình hồ sơ và được Bộ Công thương cấp chứng nhận thương hiệu cho các sản phẩm: tôm khô Rạch Gốc; mật ong rừng tràm U Minh; khô sặc (bổi) U Minh, khô sặc Trần Văn Thời.
|
Dù được đánh giá là tỉnh thực hiện tốt nhất công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng Cà Mau vẫn còn nhiều mặt trái. Đó là tình trạng thịt gà ướp đá lạnh không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm định bày bán tràn lan ở các chợ thị trấn, thị tứ; bơm nước vào heo sống ở nhiều lò mổ (có pha thuốc gây mê để heo mê man hàng tiếng đồng hồ đủ cho nước ngấm sâu vào thịt); cân thiếu hàng thực phẩm tươi sống ở các chợ phường; cá ướp phân urê, phèn chua, hàn the để không bị ươn…
Kỹ sư Nguyễn Thành Vinh, đại diện Sở Khoa học và công nghệ Cà Mau, đưa ra một thực trạng hết sức vô lý vẫn tồn tại lâu nay: Mua 1 kg cua biển người tiêu dùng phải chịu thiệt đến 0,2 kg dây trói (dây được chà nát, ngâm tẩm nước, bùn cho nặng). Nghĩa là với 1 kg cua gạch giá 150.000 - 200.000 đồng, thì người mua bị mất 30.000 - 40.000 đồng tiền dây. Ngoài ra, con tôm giống Cà Mau rất tốt, nhưng giá rẻ hơn giống nhập từ các tỉnh nên nhiều đại lý đã gian lận bằng cách dán nhãn mác tôm giống Cà Ná, Ninh Thuận để bán với giá cao hơn…
Người tiêu dùng vẫn phải thiệt thòi khi những mặt trái, những tồn tại nêu trên chưa được khắc phục.
Phạm Anh Hoan
Bình luận (0)