Chung tay bảo tồn nguồn nước

22/03/2013 05:00 GMT+7

Ngày Nước thế giới được Liên Hiệp Quốc tổ chức vào 22.3 hằng năm nhằm tuyên truyền tầm quan trọng của nước ngọt cũng như kêu gọi quản lý và bảo tồn tài nguyên nước.

Tài nguyên nước đang bị đe dọa nghiêm trọng

75% diện tích mặt đất được bao phủ bởi nước nhưng không đến 1% lượng nước toàn cầu có thể sử dụng được. Trong khi đó, dân số thế giới không ngừng gia tăng dẫn đến sự gia tăng không ngừng nhu cầu sử dụng nước.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, nhu cầu nước sạch toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 40% vào năm 2030. Hiện 85% dân số thế giới đang phải sống ở những khu vực khô hạn nhất hành tinh. Thống kê cũng báo động rằng 783 triệu dân trên thế giới không có điều kiện tiếp cận nguồn nước sạch và đến 2,5 tỉ người không được tiếp cận với những điều kiện vệ sinh tối thiểu.

Chung tay bảo tồn nguồn nước
Hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A tại Nhà máy bia Việt Nam, Q.12, TP.HCM - Ảnh: Minh Khang

Nghiên cứu chung mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và diễn đàn Nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APWF) cũng cho thấy, hơn 75% quốc gia trong khu vực này đang đối diện mối đe dọa thiếu nước nghiêm trọng, nhiều nước trong số đó phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước sắp xảy ra.

Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có tài nguyên nước vào loại trung bình trên thế giới nhưng ẩn chứa nhiều yếu tố không bền vững như: phân bố nguồn nước không đồng đều giữa các vùng và các mùa trong năm, gia tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội, suy thoái tài nguyên nước do khai thác sử dụng không hợp lý, thiên tai, biến đổi khí hậu…

Chung tay vì an ninh tài nguyên nước tại Việt Nam

Các khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” và “phát triển bền vững” mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam vào những năm gần đây, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã thực hành “trách nhiệm xã hội” và “phát triển bền vững” từ các thập niên trước.  Điển hình là Công ty TNHH nhà máy bia Việt Nam (VBL). 

Tham gia thị trường vào những năm đầu của thập niên 1990, VBL đã chủ động xây dựng một hệ thống xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến nhất lúc bấy giờ tại Việt Nam. Năm 2012, cùng với những cải tiến công nghệ trong sản xuất, VBL đã dành kinh phí đầu tư 125,28 tỉ đồng để nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A ở 3 nhà máy đang hoạt động tại Q.12, TP.HCM; Tiền Giang và Đà nẵng với tổng công suất thiết kế của các hệ thống là 258 triệu lít/tháng.

Ý thức tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước được thực hiện rất chặt chẽ và nghiêm ngặt trong tất cả các khâu của quy trình sản xuất tại tất cả các nhà máy. Với nhiều sáng kiến và nỗ lực tiết kiệm nước, tính đến tháng 10.2012, trung bình các nhà máy của VBL đã đạt được tỷ lệ 3,8 lít nước/lít bia từ tỷ lệ ban đầu là 6 lít nước/lít bia, và vẫn đang tiếp tục nỗ lực tiến đến tiêu chuẩn châu u trong ngành công nghiệp sản xuất bia là 2,5 lít nước/lít bia.

Không chỉ thực hành tiết kiệm nước trong sản xuất, VBL còn có nhiều hoạt động tuyên truyền tầm quan trọng của nước và nâng cao ý thức tiết kiệm nước cho nhân viên trong sinh hoạt hằng ngày. Chương trình Một phút tiết kiệm do VBL tổ chức trong năm qua là một ví dụ điển hình. Chương trình kêu gọi thực hành tiết kiệm nước bằng những hành động đơn giản nhưng thiết thực như: khóa vòi nước khi đang đánh răng, khi lấy xà phòng rửa tay, sử dụng máy giặt đúng công suất, sử dụng nước trong lau chùi và tưới tiêu hiệu quả hơn…

Ngoài ra, trong năm 2012, VBL còn có chương trình nước sạch cho người nghèo ở Tiền Giang với ngân sách tài trợ 450 triệu đồng, chương trình hỗ trợ tài năng trẻ Vì an ninh tài nguyên nước thực hiện liên tục trong 5 năm với tổng kinh phí hơn 7 tỉ đồng nhằm đồng hành cùng xã hội trong việc nâng cao số lượng và chất lượng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ về nguồn nước, giúp bảo vệ nguồn nước cho cộng đồng.

Y Linh

>> 200 triệu USD cho chương trình nước sạch
>> WB tài trợ 200 triệu USD cho chương trình nước sạch
>> Bộ lọc nước sạch từ đất sét và mùn cưa
>> Người dân ốc đảo Cừ Đứt đã có nước sạch
>> Dân khát nước sạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.