Kiến thức biển Đông trong sách giáo khoa chưa đủ mạnh

22/03/2013 03:00 GMT+7

Theo nhiều chuyên gia, trong khi học sinh Việt Nam thiếu kiến thức thì học trò Trung Quốc lại được cung cấp thông tin đầy đủ, có dụng ý về vấn đề biển Đông.

Tại hội thảo Vấn đề biển Đông trong nghiên cứu và giảng dạy lịch sử do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức tuần qua, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: “Sách giáo khoa (SGK) lịch sử và xã hội bậc THCS của Trung Quốc không có một dòng chữ nào về nguồn gốc lịch sử của bản đồ đường chữ U, cũng không có một dòng chữ nào trực tiếp khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển trong đường chữ U. Tuy nhiên, với việc sử dụng lặp đi lặp lại nhiều bản đồ thế giới và Trung Quốc trong đó bao gồm đường này trong SGK đã gián tiếp khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với diện tích biển trong phạm vi đường này”.

Nhìn nhận chung về vấn đề biển Đông trong SGK của Việt Nam hiện nay, thạc sĩ Ninh Xuân Thao cho rằng việc giáo dục học sinh về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, vấn đề này nêu trong SGK thậm chí còn dễ gây nên tranh cãi, thắc mắc đối với học sinh. Chẳng hạn, lược đồ “Các quốc gia Đông Nam Á cổ đại và phong kiến” (SGK lớp 10, ban cơ bản) có nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa nhưng lại không đề cập là của Việt Nam hay quốc gia nào. “Nói cách khác, khi đặt ra câu hỏi hãy nêu những cứ liệu chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam thì hầu hết học sinh không thể điểm tên được cứ liệu. Nếu kể được thì những cứ liệu đó cũng không đủ thuyết phục”, thạc sĩ Thao nhận định.

Ông Thao cũng đề xuất một số vấn đề cần đưa vào SGK về biển Đông. Chẳng hạn, cần cung cấp bản đồ hành chính của Hoàng Sa, Trường Sa vì khảo sát cho thấy nhiều học sinh không biết chúng thuộc địa phận tỉnh nào, ở đâu. Cũng cần đưa kiến thức địa chính trị, giá trị chiến lược, nguồn lợi, tiềm năng kinh tế của biển Đông đối với khu vực. Những kiến thức trên sẽ giúp lý giải vì sao Hoàng Sa, Trường Sa lại trở thành nơi tranh chấp giữa các quốc gia hữu quan.

Cũng theo ông Thao, cần cung cấp kiến thức chứng minh trong khi Việt Nam xác lập chủ quyền từ rất sớm với Hoàng Sa, Trường Sa thì cho đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Trung Quốc vẫn chưa hề cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của họ như hiện nay.

Những kiến thức này được đề nghị tích hợp vào các bài học lịch sử đã có. Các nhà khoa học cũng cho rằng nội dung của vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa cần được đưa vào các lớp tập huấn cho giáo viên tổ chức thường niên hoặc các buổi riêng.

Ngữ Thiên - Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.