|
Bệnh viện (BV) Giao thông vận tải (GTVT) Nha Trang được xây dựng năm 1977, có tên gọi là BV Đường sắt Nha Trang, với quy mô ban đầu chỉ 20 giường bệnh, phục vụ khám chữa bệnh cho các nhân viên đường sắt. Về sau, BV đổi tên như hiện nay và mở rộng quy mô lên 80 giường, phục vụ khám chữa bệnh cho mọi đối tượng nhân dân trong khu vực. Hằng năm, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa đều tiến hành kiểm tra vệ sinh môi trường của BV và từng nhắc nhở về vấn đề xử lý rác thải y tế. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí xây dựng nên đến nay BV vẫn chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm. Theo kết quả phân tích nước xả thải của BV do Sở TN-MT Khánh Hòa báo cáo có tới 7 thông số vượt quy chuẩn. Các thông số đều vượt hơn 50 lần so với quy chuẩn quốc gia về nước thải y tế, trong đó thông số quy chuẩn Coliform vượt 120 lần mức cho phép. BV đã cung cấp mẫu nước thải và yêu cầu Trung tâm quan trắc môi trường của Sở TN-MT Khánh Hòa làm phân tích, đồng thời gửi văn bản kết quả ô nhiễm để xin xác nhận có tên trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm. Đây không khác gì việc “vạch áo cho người xem lưng”, khiến nhiều người thắc mắc.
Lý giải về việc làm lạ lùng này, ông Đỗ Viết Lộc, Giám đốc BV GTVT Nha Trang, cho biết: “BV được xây dựng 36 năm trước nên không có hệ thống xử lý chất thải (XLCT) y tế đạt chuẩn. Mặc dù năm nào BV cũng đề nghị xây dựng hệ thống XLCT nhưng cơ quan chủ quản trực tiếp là Cục Y tế GTVT chưa đủ kinh phí nên không thể thực hiện. Vì thế, khi biết Bộ TN-MT có kế hoạch hỗ trợ xây dựng hệ thống XLCT cho các BV cấp địa phương, chúng tôi đã làm thủ tục để được hỗ trợ. Tuy nhiên, Bộ yêu cầu phải có xác nhận của UBND tỉnh Khánh Hòa nên BV mới có văn bản trình UBND xin xác nhận cơ sở gây ô nhiễm”.
Được công nhận... cơ sở ô nhiễm !
|
Hiện nay, BV GTVT Nha Trang đang tự phân chia chất thải y tế thành 2 loại, gồm: chất thải lỏng và chất thải rắn. Đối với chất thải lỏng thì đào hố chôn sâu, để tự ngấm. Việc này sẽ gây ô nhiễm không nhỏ đối với môi trường đất, nước xung quanh. Với chất thải rắn thì được thu gom rồi chuyển sang Viện Da liễu Khánh Hòa có lò đốt quy chuẩn để tiêu hủy. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển và tiêu hủy “nhờ vả” này rất tốn kém, chưa kể đến trường hợp lò đốt trục trặc thì rác thải sẽ bị ứ lại, không được xử lý kịp thời, gây ô nhiễm nặng. Việc xử lý chất thải tại BV như vậy đã diễn ra trong thời gian dài, vừa không đảm bảo an toàn vừa ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.
Phúc đáp đề nghị của BV, ngày 27.2, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định công nhận đơn vị BV GTVT Nha Trang là “cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng” để chuyển ra Bộ TN-MT giải quyết. “Chúng tôi vẫn phải chờ vì chưa biết đến khi nào thì mới có hệ thống xử lý chất thải rắn”, ông Đỗ Viết Lộc nói.
Anh Vân
Bình luận (0)