Nuôi rắn mối cho hiệu quả kinh tế cao

22/03/2013 10:24 GMT+7

Do nhu cầu cần rắn mối làm thực phẩm chế biến những món ăn dân dã, nhiều nông dân ở huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã học hỏi, đưa giống từ các tỉnh miền Tây về nuôi và bước đầu đã có sản phẩm cung cấp cho thị trường..

Theo đánh giá của những người nuôi, thịt rắn mối thơm, ngon, dai, chế biến được nhiều món, có giá trị dinh dưỡng cao và là vị thuốc của đông y. Chính vì vậy mà anh Nguyễn Văn Thẩm ở ấp 4, xã Tân Hiệp (huyện Phú Giáo) cùng với những cộng sự đi xuống Long An để học hỏi. Từ những đồng vốn ít, khoảng 30 triệu đồng, anh Thẩm cùng với anh Đoàn Văn Nghị, Trần Văn Cảnh đã quyết tâm xây dựng cơ sở nuôi rắn mối tại khu đất ở gần nhà. Đến nay, tại 2 khu trại nuôi trong diện tích khoảng 100m2 đã có trên 3.000 con rắn mối các loại.

Theo anh Thẩm, khi mang giống từ Long An về, do khí hậu ở Bình Dương khác với các tỉnh miền Tây nên phải tự thiết kế xây dựng chuồng trại sao cho phù hợp. Trại nuôi rắn mối của anh Thẩm được quây bằng tôn phẳng cao chừng nửa mét. Ở phần dưới phải chôn sau khoảng 10cm để tránh cho rắn mối bò ra ngoài. Phía trong, ngay tại chân tấm tôn được xây kín bằng bê tông để tránh rắn mối đào lỗ. Ngay tại giữa các trại nuôi được dùng các khúc gỗ, gạch, đá… tạo ra hang hốc để rắn mối có thể chui vào tránh mưa, nắng. Ngoài ra, ở bên trong trại nuôi còn có thể trồng thêm một số cây để tạo bóng mát cho rắn mối. Giai đoạn đầu, những người nuôi phải thay phiên nhau quan sát bầy rắn mối để phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường để có cách xử lý.

Nuôi rắn mối cho hiệu quả kinh tế cao
Anh Nguyễn Văn Thẩm bên khu trại nuôi rắn mối - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Cách nuôi không khó

Anh Trần Văn Cảnh cho biết, lợi thế của việc nuôi rắn mối là chủ động được nguồn thức ăn. Các thức ăn của chúng bao gồm: phụ phẩm từ gà, heo; trái cây, sâu, mối... Trong đó sâu là món ăn khoái khẩu của rắn mối. Hiện nay thức ăn chính của rắn mối tại trại nuôi của anh Thẩm là cá, tép nhỏ được xay nhuyễn trộn với cơm mềm. Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Thẩm cho biết thêm: “Rắn mối là loài vật chỉ ăn thức ăn tươi sống, không chịu ăn các thức ăn ôi, thiu vì vậy nguồn thức ăn cần phải được chuẩn bị kỹ”. Bên cạnh đó, việc chọn giống nuôi cũng phải hết sức chú ý. Những con rắn mối có thân mình đầy đặn, bóng bẩy là đạt tiêu chuẩn. Con cái trong giai đoạn mang thai cần bổ sung thêm một số loại chất dinh dưỡng để sinh con khỏe mạnh.

Rắn mối cái đẻ 2 lứa/năm vào tháng 4 và tháng 9 âm lịch (mùa mưa). Một con cái có thể đẻ 8-10 trứng. Rắn mối nuôi khoảng 7- 8 tháng thì tự bắt cặp và sau khoảng 70 - 90 ngày là đẻ trứng. Khi con cái sắp đẻ trứng thì phải bắt ra nhốt riêng. Sau khi trứng nở ra con cần bắt rắn mối con nuôi riêng vì rắn mối đực thường cắn chết con non. Rắn mối con sau khoảng 2 tháng thì có thể tiến hành nuôi thành lứa nuôi riêng. Để nhận biết rắn mối cái đầu thon, bụng to, di chuyển chậm, gốc đuôi nhỏ, hai bên sườn có những đốm tròn nửa trắng, nửa đen. Con đực, đầu to, có hai vạch màu cam chạy dọc hai bên sườn, gốc đuôi lớn, khi kiểm tra bộ phận sinh dục ấn nhẹ gai giao cấu lộ ra ngoài.

Với giá rắn mối tươi hiện nay từ 300.000 - 350.000 đồng/kg (khoảng 20-30 con/kg). Rắn mối con có giá 5.000 - 6.000 đồng/con, những người nuôi ước chừng mỗi đợt cũng kiếm được lợi nhuận hàng chục triệu đồng.

HOÀI PHƯƠNG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.