Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Người bị truy tố có quyền chọn trợ giúp pháp lý

24/03/2013 03:15 GMT+7

Đây là một trong những nội dung các cơ quan thuộc Văn phòng Quốc hội (VPQH) góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bằng văn bản trước khi tiến hành hội nghị góp ý trực tiếp vào sáng 23.3, tại Hà Nội.

Theo Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý Hiến pháp cung cấp tại hội nghị, đến ngày 19.3 đã có 23 đơn vị trực thuộc VPQH gửi văn bản đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp, với nhiều ý kiến được đánh giá là “góp ý tâm huyết, chất lượng, thể hiện chính kiến rõ ràng đối với các nội dung của dự thảo”.

Đáng chú ý, có 17 đơn vị góp ý kiến liên quan đến quyền công dân và quyền con người với nhiều nội dung cụ thể, như đề nghị xem xét lại quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng”, vì lo ngại quy định sẽ vô hình trung siết chặt hơn quy định về quyền con người và quyền công dân.

Các ý kiến góp ý cũng đề nghị bổ sung nội dung người bị truy tố có quyền được nhận sự trợ giúp pháp lý chỉ định miễn phí theo quy định của luật và quyền có sự trợ giúp pháp lý theo lựa chọn của họ, phù hợp nội dung quy định tại điểm d, khoản 3, điều 14 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Theo đó, cần viết lại trong dự thảo “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền được nhận sự trợ giúp pháp lý chỉ định miễn phí theo quy định của luật; có quyền lựa chọn sự trợ giúp pháp lý theo yêu cầu trong các trường hợp khác”.

Liên quan đến các quyền của công dân, các văn bản góp ý cho rằng việc dự thảo bổ sung nội dung mới “nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp” là phù hợp, vì việc thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân theo quy định của Hiến pháp hiện hành bằng hình thức dân chủ gián tiếp là chưa đầy đủ. Hơn nữa, trong quá trình hoạch định chính sách, vẫn có tình trạng một số đại biểu dân cử bị chi phối bởi lợi ích nhóm nên quyền lợi của nhân dân chưa được quan tâm, nguyện vọng của nhân dân chưa được phản ánh đầy đủ. Vì vậy, cần quy định cụ thể hơn về hình thức thể hiện của “dân chủ trực tiếp” và “dân chủ đại diện”. “Để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp, nhất thiết phải có cơ chế cho nhân dân tham dự trực tiếp vào tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước. Trước mắt đề nghị đưa ra nhân dân bầu cử trực tiếp chức danh Chủ tịch nước, thay vì bầu thông qua QH như dự thảo”, Báo cáo trích dẫn các ý kiến đóng góp.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp đề nghị quy định thiết chế Hội đồng Hiến pháp phải bảo đảm tính thực quyền, có quyền bãi bỏ các văn bản vi hiến, trái luật như kiến nghị của Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu lập pháp Phạm Văn Hùng; Không nên thu hẹp lại quyền của Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán sử dụng tài chính và tài sản công, trong khi đó cả lĩnh vực tài chính, tài nguyên đều đang có nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng, vì vậy nên giữ như Hiến pháp 1992 nhằm bao quát hơn, như đề xuất của Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách của QH Vũ Lưu Mai.

Bảo Cầm

>> Thanh niên Tây nguyên góp ý sửa đổi Hiến pháp
>> Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cần bổ sung quyền mưu cầu hạnh phúc
>> Góp ý sửa đổi hiến pháp - Chăm lo toàn diện cho thanh thiếu nhi
>> Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cần có điều riêng về thanh niên
>> HĐND tỉnh Cà Mau góp ý sửa đổi Hiến pháp
>> Góp ý sửa đổi hiến pháp: Lắng nghe dân cho đến khi Quốc hội giơ tay biểu quyết
>> Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cần quan tâm đến giáo dục và y tế
>> Chủ tịch Quốc hội kêu gọi góp ý sửa đổi Hiến pháp
>> Công bố hộp thư lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp
>> Tạo điều kiện cho mọi người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp
>> Kêu gọi nhân dân tích cực góp ý sửa đổi Hiến pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.