"Rộ" sách học tiếng Anh "gốc" Trung Quốc

24/03/2013 12:30 GMT+7

(TNO) “Đánh” vào nhu cầu học tiếng Anh ngày càng lớn, thị trường hiện nay “rộ” lên hàng loạt sách tham khảo, CD giao tiếp, dạy tiếng Anh cấp tốc... được dịch lại từ ấn phẩm Trung Quốc.

(TNO) “Đánh” vào nhu cầu học tiếng Anh ngày càng lớn, thị trường hiện nay “rộ” lên hàng loạt sách tham khảo, CD giao tiếp, dạy tiếng Anh cấp tốc... được dịch lại từ ấn phẩm Trung Quốc.

Chưa nói đến chuẩn mực phát âm, ngữ pháp, xét về tổng quan, những cuốn sách này đều tranh thủ “dạy” về bối cảnh sinh hoạt và quảng bá các địa danh Trung Quốc.

Tiếng Anh “gốc”... Trung

Tại các nhà sách ở TP.HCM, người đọc có thể dễ dàng tìm thấy bộ sách Trọn bộ 360o Tiếng Anh của Nhà xuất bản (NXB) Đồng Nai, liên kết phát hành với Nhà sách Thành Nghĩa. Sách không ghi tác giả cụ thể, mà chỉ ghi chung chung “Tác giả: Tri Thức Việt”.

Bộ sách gồm các cuốn: Tiếng Anh dùng trong thương mại, Tiếng Anh dùng trong du lịch, Tiếng Anh dành cho hướng dẫn viên du lịch, Tiếng Anh dùng trong nhà hàng khách sạn.


"Rộ" các bộ sách tiếng Anh gốc... Trung Quốc tại các nhà sách

Tuy nhiên, đọc kỹ vào nội dung thì đây là sách được các soạn giả Trung Quốc biên soạn để dạy tiếng Anh cho người Trung Quốc. Những tên nhân vật, đoạn giao tiếp trong sách hầu như đều lấy bối cảnh Trung Quốc.

Trong đó, cuốn Tiếng Anh dành cho hướng dẫn viên du lịch còn dành ra nguyên một chương để "dạy" cho người đọc kỹ năng ngôn ngữ hướng dẫn viên du lịch tại các địa điểm du lịch ở Trung Quốc.

Tương tự, nhiều bộ sách dạy tiếng Anh cấp tốc “gốc” Trung Quốc cũng được các nhà sách bán khá nhiều, như: bộ Đàm thoại tiếng Mỹ WTO toàn tập của NXB Tổng hợp, Tiếng Anh cho người đi du lịch của NXB Lao Động…

Riêng bộ sách Đàm thoại tiếng Mỹ WTO toàn tập gồm các tập theo từng chủ đề vẫn còn giữ nguyên gốc phần dịch tiếng Anh qua tiếng Trung, được đơn vị xuất bản bổ sung thêm phần dịch tiếng Việt.

Các bộ sách tiếng Anh này đều có kèm CD dạy phát âm, hội thoại. Tuy nhiên, nhân vật hội thoại là người Trung Quốc nên cách phát âm, ngữ điệu tiếng Anh gần như theo giọng… Hoa.

Học “bắt cầu” có thể sai lệch

Bà Kathleen Smith (ĐH Bradford, West Yorkshire, Anh, cựu giáo viên dạy tiếng Anh tại Trung tâm Anh văn SEAMEO, Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á), cho rằng: “Trong giao tiếp tiếng Anh phát âm rất quan trọng. Tiếng Anh có nhiều từ phát âm gần giống nhau, nhiều khi phát âm sai sẽ gây hiểu lầm và sai lệch nghĩa mình muốn nói. Việc học nghe, nói tiếng Anh với giọng người bản ngữ là tốt nhất vì có cách dùng từ, đặt câu chuẩn theo đúng ngữ cảnh và phát âm đúng”.


Sách tiếng Anh dành cho hướng dẫn viên du lịch...


... với nguyên một chương dạy tiếng Anh về du lịch Trung Quốc

Trong khi đó, Thạc sĩ Trần Thiên Phúc, giảng viên Anh văn thương mại, Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM, cho biết có rất nhiều sinh viên phát âm, dùng từ đặt câu sai với ngữ cảnh.

“Các em tự mua tài liệu học, nếu không chú ý mua phải những tài liệu có nguồn gốc của các nước không sử dụng tiếng Anh là tiếng “mẹ đẻ” thì dễ mắc lỗi này. Việc tập phát âm ngay từ đầu còn dễ, chứ nếu đã học và phát âm sai thì sửa lại rất khó vì người học đã quen cách phát âm cũ", bà Phúc nói.

Đặc biệt, theo các giảng viên ngôn ngữ, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh là hai hệ ngôn ngữ rất khác nhau. Vì vậy, tư duy ngôn ngữ, âm điệu của người Trung Quốc sử dụng tiếng Anh sẽ khác với người bản ngữ ở các nước sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ (như Anh, Mỹ, Úc).

“Học ngoại ngữ tốt nhất là được nghe, tiếp cận với giọng bản ngữ. Nếu học “bắt cầu” qua chương trình, luyện nghe - nói của một nước khác, không sử dụng ngôn ngữ đó là ngôn ngữ “mẹ đẻ” thì sẽ có ít nhiều sai lệch”, bà Phúc nhận xét.

Bài, ảnh: Nguyên Mi

>> Đại biểu Quốc hội bức xúc sách in cờ Trung Quốc
>> Tràn lan sách tham khảo thiếu nhi "gốc" Trung Quốc
>> Bài học đầu đời phải là đất nước, con người Việt Nam 
>> Bộ GD-ĐT yêu cầu kiểm điểm về sách học vần in cờ Trung Quốc
>> Bộ GD-ĐT chỉ đạo không mua sách in "trường Việt Nam cắm cờ Trung Quốc”
>> Xin lỗi vì sách “có in hình cờ Trung Quốc”
>> Thu hồi sách "có in hình cờ Trung Quốc
>> Thu hồi sách in “đường lưỡi bò”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.