Một phán quyết được tòa đưa ra hôm 22.3, cáo buộc lực lượng cảnh sát tôn giáo “hành động phi pháp” khi lục soát hiệu sách Borders ở thủ đô Kuala Lumpur và thu giữ nhiều bản in quyển Allah, Liberty and Love (Thánh Allah, tự do và tình yêu) hồi tháng 5.2012. Lý do của tòa là quyển sách này không hề bị cấm vào thời điểm việc lục soát diễn ra. Chỉ một tuần sau đó, cuốn sách của cây viết nữ người Hồi giáo Canada, Irshad Manji, xuất bản tháng 6.2011 ở nhiều quốc gia, mới bị Bộ Nội vụ Malaysia (MOHA) cấm với lý do “có nội dung phá hoại đạo đức và trật tự công cộng”. Ngoài ra, tòa tối cao cũng nói rằng Ban Quản lý các vấn đề Hồi giáo liên bang (JAWI) đã sai khi buộc tội cô Nik Raina Abdul Aziz, người đang xếp những quyển sách này lên kệ lúc nhà sách bị lục soát. JAWI đã đứng đơn kiện cô Raina ra tòa án Hồi giáo với tội danh phát tán sách cấm.
Tòa án Hồi giáo ở Malaysia tồn tại song song với hệ thống tòa án dân sự liên bang, và thường có những phán quyết mang tính tôn giáo khắt khe, trái ngược với tòa dân sự. Nếu bị kết án, Raina có thể bị phạt đến 3.000 ringgit (20 triệu đồng), hoặc bị tù đến 2 năm, hoặc kết hợp cả hai.
Lãnh đạo Berjaya Books, công ty quản lý chuỗi nhà sách Borders của Úc, đã kiện ngược JAWI ra tòa dân sự tối cao nhằm bảo vệ Raina với lập luận cô này chỉ là người làm công cho nhà sách. Phán quyết hôm 22.3 của tòa tối cao, vì vậy, được giới kinh doanh ủng hộ và tạo cơ sở buộc JAWI phải rút đơn ở tòa Hồi giáo. Đồng thời, nó lại làm dấy lên tranh luận có nên duy trì sự tồn tại song song của hai hệ thống tòa án ở Malaysia.
Trước đó, hôm 14.3, Tòa phúc thẩm tối cao liên bang cũng ra phán quyết bác kháng án của MOHA về lệnh cấm quyển Muslim Women and the Challenges of Islamic Extremism (Phụ nữ Hồi giáo và thách thức của phong trào cực đoan Hồi giáo). Quyển sách bị MOHA cấm năm 2008 và tòa án liên bang đã bác lệnh này năm 2010, nhưng MOHA kháng án.
Theo luật Xuất bản Malaysia, MOHA có quyền tuyệt đối trong việc cấm các ấn phẩm bị cho là có nội dung không tốt. Nhưng nhiều người cho rằng: “Xã hội Malaysia đủ chín chắn để thảo luận mọi vấn đề mà không cần chính quyền phải bảo ban họ cái gì thì được hay không được phép đọc”.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Bình luận (0)