Nhiều chính sách cho người giỏi

24/03/2013 03:40 GMT+7

Một công việc phù hợp sau khi ra trường là mối quan tâm hàng đầu của học sinh tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại tỉnh này chiều 23.3.

Qua buổi tư vấn tại hội trường Trường CĐ nghề ô tô Trường Hải (thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai), lãnh đạo địa phương và các trường cho biết những học sinh (HS) giỏi ngày càng có nhiều cơ hội phát huy năng lực.

Học bổng trong và ngoài nước

Phạm Đức Tùng (HS lớp 12A2, Trường THPT Núi Thành), đặt câu hỏi về các chương trình hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam. Theo ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, hiện tỉnh đang có chính sách hỗ trợ HS, đặc biệt là HS có năng khiếu. Cụ thể, năm nay Quảng Nam dành 25 suất học bổng cho HS học các ngành mà tỉnh cần nhân lực. Trong đó, có 5 suất tại các trường ĐH danh tiếng quốc tế và 20 suất tại các trường ĐH lớn ở Việt Nam. HS đi học sẽ được tỉnh hỗ trợ học phí và khi ra trường được ưu tiên tuyển dụng trực tiếp.

 Nhiều chính sách cho người giỏi
Học sinh Trường THPT Tiểu La (H.Thăng Bình) tham gia buổi tư vấn lớp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cũng trả lời câu hỏi của Tùng, ông Phạm Văn Tài, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, cũng cho biết công ty đã đặt trụ sở tại tỉnh Quảng Nam 10 năm và luôn khát khao nhân lực làm việc. Vì vậy, ngoài nhân lực có nhu cầu làm việc tại địa phương được tuyển dụng từ sinh viên học các trường ĐH, CĐ trên cả nước, công ty còn mở thêm Trường CĐ nghề Chu Lai Trường Hải tại đây để đào tạo thêm nhân lực.

 
 

Vượt đường xa nghe tư vấn

Chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại tỉnh Quảng Nam có hai HS đặc biệt. Thức dậy từ 5 giờ sáng, Trương Văn An và Nguyễn Chiêu Phúc (HS lớp 12 Trường THPT Trần Quý Cáp, Hội An), tranh thủ ăn sáng để có thể bắt xe buýt đến nghe các chuyên gia tư vấn. Tuy nhiên, vì không biết địa điểm, nên khi đến thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn) hai em phải xuống xe mua Báo Thanh Niên xem lịch tư vấn đăng trên báo. Sau đó, cả hai lại đi xe buýt đến Trường THPT Tiểu La (huyện Thăng Bình) tham gia tư vấn lớp vào buổi sáng, xong tiếp tục đón xe đến Trường CĐ nghề Chu Lai Trường Hải để tham dự buổi truyền hình trực tiếp. Buổi sáng có lịch học tại Trường THPT Trần Quý Cáp nhưng cả An và Phúc đều nhờ phụ huynh xin phép cho mình nghỉ. Tính tổng cộng cả đi và về, An và Phúc đã vượt đến hơn 100 km để đến với chương trình. An cho biết mình đang phân vân giữa ngành du lịch và công tác xã hội nên muốn tham dự trực tiếp để có cơ hội hiểu rõ ngành nghề, lựa chọn cho chính xác. Tạm biệt chương trình, hai em còn xin thêm thật nhiều đĩa CD luyện thi trắc nghiệm của Báo Thanh Niên để mang về cho các bạn mình.

Thạc sĩ Dương Phương Hùng, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Quảng Nam, thông tin thêm: sinh viên học tại trường, ngoài 6 ngành sư phạm còn có 3 ngành ngoài sư phạm là bảo vệ thực vật, công nghệ thông tin, tiếng Anh cũng được miễn học phí.

Một HS đặt câu hỏi qua đường dây nóng: “Học ngành độc hại có được giảm học phí hay không?”. Thạc sĩ Nguyễn Văn Long Giang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết theo thông tư liên bộ giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH, sinh viên học các ngành độc hại sẽ được hỗ trợ kinh phí. Sinh viên có thể liên hệ các sở LĐ-TB-XH địa phương để làm thủ tục nhận kinh phí hỗ trợ này.

Chọn trường nào?

Câu hỏi của Như Quỳnh (HS Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) nhận được nhiều hưởng ứng từ nhiều HS khác vì “gợi được vấn đề hay”, khi thắc mắc: “Em muốn học một ngành khối kinh tế, nhưng có trường lấy điểm chuẩn cao, có trường lấy điểm chuẩn thấp. Vậy chương trình đào tạo và cơ hội việc làm ra trường khi học tại các trường này có khác nhau? Em nên chọn trường như thế nào? Học bình thường ở một trường tốt hay học tốt ở một trường bình thường?”.

Giải đáp thắc mắc này, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, tư vấn: “Các trường khi đào tạo ngành nghề căn cứ chương trình khung do Bộ GD-ĐT ban hành. Như vậy, nội dung đào tạo các trường có sự tương đồng 70%. Nói chung, kiến thức học tại các trường khác nhau cũng tương tự nhau. Việc em học ở một trường nào đó và ra trường có việc tốt hay không phụ thuộc rất nhiều thứ. Học ở đâu, các em cũng phải học thật tốt mới có thể có việc làm tốt khi ra trường”.

Điều kiện xét tuyển và mức học phí

Trước đó, trong buổi sáng, gần 500 HS của các trường THPT Trần Đại Nghĩa (H.Quế Sơn) và THPT Tiểu La (H.Thăng Bình) đã có mặt tại sân trường để đoàn chuyên gia đến tư vấn tại chỗ.

Hầu hết HS đã xác định cho mình một ngành nghề, một trường ĐH-CĐ để thi. Tuy nhiên, những thông tin về học phí, xét tuyển nguyện vọng bổ sung vẫn còn thiếu nên rất nhiều em băn khoăn. Phạm Công Quốc Lập (HS lớp 12A Trường THPT Trần Đại Nghĩa) hỏi: “Em không biết học phí của các trường là bao nhiêu và có thay đổi theo từng giai đoạn hay giữ nguyên trong suốt 3-4 năm học?”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết: “Hiện nay có 3 loại hình trường ĐH-CĐ: công lập, dân lập, trường có yếu tố quốc tế. Mỗi loại trường sẽ có những mức học phí khác nhau nhưng sẽ được công khai cụ thể. Nếu trường công lập thì dao động từ 6-8 triệu đồng/năm, có trường từ 8-15 triệu đồng, trường dân lập cũng từ 8-15 triệu đồng hoặc 20-40 triệu đồng tùy từng ngành học. Riêng trường quốc tế có thể từ 60-120 triệu đồng/năm”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam thông tin thêm, nếu gia đình khó khăn thì sinh viên sẽ được vay vốn để học tập mà không tính lãi, sau khi tốt nghiệp đi làm sẽ hoàn trả sau.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Long Giang lưu ý: “Theo đề án tăng học phí do Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT ban hành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, từ năm 2010-2015 mỗi năm học phí sẽ tăng 25-27%. Mức học phí bậc CĐ bằng 80% học phí ĐH và bậc trung cấp bằng 70% học phí ĐH”.

Ngoài ra, HS còn hỏi nhiều đến điều kiện xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ nếu không trúng tuyển NV1. Thạc sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, thông tin: “Nếu các em không trúng tuyển NV1 nhưng có mức điểm trên điểm sàn CĐ sẽ được nhận 3 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ còn chỉ tiêu và trong cùng khối thi, vùng tuyển. Các em cần theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông và trên website của mỗi trường để biết trường nào còn tuyển nguyện vọng bổ sung và tuyển ngành nào, bao nhiêu chỉ tiêu”.

Dù trời nắng gắt nhưng càng về trưa, HS càng hăng hái đặt câu hỏi. Thầy Nguyễn Đình Sanh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, nhận định: "Các em có rất nhiều thắc mắc nên cứ mong đoàn tư vấn của Báo Thanh Niên về để được giải đáp. Nhờ được tư vấn đúng lúc, kịp thời, tôi chắc chắn sau hôm nay các em sẽ có đủ tự tin để làm hồ sơ".

 
 Ban tổ chức cám ơn Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Quảng Nam, Trường CĐ nghề Chu Lai Trường Hải, các trường THPT: Lê Quý Đôn, Trần Văn Dư, Hà Huy Tập, chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Bội Châu, Cao Bá Quát, Núi Thành, Nguyễn Huệ, Duy Tân, Nguyễn Dục, Tiểu La, Trần Đại Nghĩa đã phối hợp tổ chức thành công chương trình; cám ơn các trường ĐH Lạc Hồng, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam đã tặng 13 suất học bổng Nguyễn Thái Bình, mỗi suất 1 triệu đồng; Công ty cổ phần vận tải và du lịch Phương Trang đã đưa đón đoàn tư vấn.

Đăng Nguyên -  Mỹ Quyên

 >> Sôi động tư vấn mùa thi tại Quảng Nam
>> Tư vấn cho hàng ngàn học sinh Quảng Ngãi
>> Học sinh Bình Định nô nức đi nghe tư vấn
>> Chương trình Tư vấn mùa thi cảm ơn những đơn vị đồng hành
>> Tổ chức Tư vấn mùa thi ở các tỉnh miền Trung
>> Hơn 3.000 học sinh tham gia tư vấn mùa thi ở Hải Dương

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.