Tiếng Anh theo "phong cách"... không hiểu nổi

31/03/2013 16:45 GMT+7

(TNO) Không rõ vì chủ ý phá cách hay do trình độ quá “khờ” của những người thực hiện, nhiều lỗi tiếng Anh "ngô nghê" đến mức khó tin cứ hiển nhiên tồn tại ở nơi công cộng.

(TNO) Không rõ vì chủ ý phá cách hay do trình độ quá “khờ” của những người thực hiện, nhiều lỗi tiếng Anh "ngô nghê" đến mức khó tin cứ hiển nhiên tồn tại ở nơi công cộng.

>> Lỗi chính tả tiếng Anh ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
>> Lỗi chính tả ở sân bay Tân Sơn Nhất: Không có gì oan ức!

‘‘Wellcom tu Tay Yen Tu…’’ (?!)

Mấy ngày qua, trong khi báo chí ồn ào bắt lỗi chính tả tiếng Anh trên biển chỉ dẫn ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), thì dư luận cũng hào hứng khơi lại chủ đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Đó là vốn tiếng Anh khiêm tốn vẫn đang làm nhiều người Việt lúng túng, thậm chí “mắc cỡ” với bạn bè quốc tế.

Khi nhìn thấy lỗi sai ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều người có thể sẽ liên tưởng ngay đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) và đặt câu hỏi liệu cảng hàng không lớn nhất miền Bắc này có mắc lỗi tương tự. Xin được trả lời rằng không hề khó để bắt gặp những lỗi dịch thuật ngô nghê, khó hiểu và có phần hài hước ở Nội Bài.


Cũng giống như các phòng vé tại sân bay Tân Sơn Nhất, những người đồng nghiệp ở sân bay Nội Bài cũng đã rất "sáng tạo" khi gán cho quầy vé của họ cái tên “Ticketing counter” trong khi chúng đơn thuần chỉ là “Ticket counter” - Ảnh: Minh Hoàng


Không chỉ có các quầy vé của các hãng hàng không giá rẻ tại đây, ngay cả “ông lớn” Vietnam Airlines cũng mắc lỗi tương tự - Ảnh: Minh Hoàng

Cũng không chỉ tại sân bay, trên website của nhiều cơ quan hàng không như của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Vietnamairport.vn) cũng phát hiện sai lỗi tiếng Anh.

Cụ thể, trong bài giới thiệu về Cảng hàng không Phù Cát (Bình Định), tại "Mục 4: Nhà ga hành khách", phần băng tải hành lý được viết là baggagages conveyors (trong khi từ đúng là baggage conveyors - PV).

Lỗi tiếng Anh trên website Hàng không
Từ “baggage” (hành lý - PV) bị viết thừa chữ nên trở thành vô nghĩa - Ảnh: Minh Úc chụp màn hình từ website Vietnamairport.vn

Tất nhiên, ở những nơi có sự tương tác mạnh mẽ nhất với khách quốc tế như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài hay Vietnamairport.vn còn để lọt lỗi chính tả tiếng Anh sơ đẳng và cách dịch không thông dụng, thì sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu như ở những nơi "kém đẳng cấp quốc tế hơn" xuất hiện nhiều kiểu dùng tiếng Anh… không thể hiểu nổi.

Đơn cử là trường hợp tấm biển có đề chữ chào mừng rất to: “Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Di tích thắng cảnh Suối Nước Vàng. Wellcom tu (viết sai từ Welcome to - PV) Tay Yen Tu park” thuộc địa phận xã Lục Sơn (Lục Nam, Bắc Giang).


Đây được cho là sự làm việc cẩu thả, tắc trách của một bộ phận những nhà làm quản lý - Ảnh: Linh San

Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, tấm biển này đã tồn tại nhiều năm. Tuy nhiên gần đây nó mới được tu sửa, sơn lại chữ. Có thể sai sót này là do những người thợ sơn chữ không biết tiếng Anh.

Tuy nhiên, trách nhiệm cuối cùng phải chăng cần quy về những người quản lý, giám sát thi công. Nếu như trước khi nghiệm thu hoàn thành, họ không “mắt nhắm, mắt mở” mà kiểm tra kỹ càng thì làm sao một lỗi “tiếng Anh đập tiếng Em” to đùng đoàng như thế lại có cơ hội được trưng lên trước bàn dân thiên hạ.

"Trẻ con còn phát hiện ra lỗi"

Nếu như đa phần mọi người khi ra đường ít để ý đến những biển quảng cáo, băng rôn, pano… có sử dụng tiếng Anh, thì với những người có chuyên môn về ngôn ngữ này lại thường rất "nhạy" bắt lỗi sai từ vựng, sai cách dịch, sai cách diễn đạt…

Nguyễn Thu Trang (sinh viên năm 3 khoa Tiếng Anh, Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) kể: "Nhớ đợt Hội nghị Asean cách đây 3 năm, một lần đi trên xe khách qua đường Phạm Văn Đồng, em nghe loáng thoáng thấy một em bé ngồi sau nói với mẹ là welcome sao lại có hai chữ l? Em quay ra nhìn mới bất ngờ. Đúng là có rất nhiều pano viết welcome thành well come. Trẻ con còn phát hiện ra lỗi mà sao người ta lại có thể giăng ra trên đường đón khách quốc tế như thế".

Tiếng Anh theo “phong cách” Việt 2
Một cửa hàng thời trang trên phố Xã Đàn (Hà Nội) khá hoành tráng. Toàn bộ tên biển quảng cáo đều được viết theo tiếng Anh...

 Tiếng Anh theo “phong cách” Việt 3
... nhưng ngay cửa kính ra vào lại mắc lỗi tiếng Anh “wellcome” (viết sai từ welcome - PV) cực kỳ ngây ngô - Ảnh: Linh San

"Thỉnh thoảng em dẫn tour khách quốc tế đến Hà Nội. Có lần đi cùng đoàn Singapore qua đường Hoàng Quốc Việt, thấy cái biển quảng cáo của một quán ghi thức ăn nhanh là fast foot (viết sai từ fast food - PV). Các bạn du khách chỉ trỏ rồi cười. Tự dưng lúc đấy thấy ngại và hơi bực mình", cô sinh viên năm thứ 3 tiếp tục chia sẻ.

Quả thực, tại Hà Nội có không ít cửa hàng, quán xá treo biển quảng cáo có sử dụng tiếng Anh. Đó phải chăng là chiêu thức kinh doanh nhằm mở rộng đối tượng khách hàng, thu hút khách du lịch quốc tế, hay chứng tỏ rằng dịch vụ của họ văn minh, sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế…

 
Nếu như lỗi chính tả có thể dễ dàng nhận ra, thì lỗi cách dịch không thông dụng lại nan giải hơn rất nhiều. Tấm bảng chỉ dẫn tại sân bay Tân Sơn Nhất là một ví dụ điển hình.

Gần đây, dư luận cũng tranh cãi trái chiều về việc dịch song ngữ Việt - Anh trên mẫu giấy phép lái xe mới của Bộ Giao thông Vận tải. Rất nhiều ý kiến cho rằng mẫu giấy phép mới này dịch chỗ thiếu, chỗ thừa và sử dụng nhiều mẫu câu tiếng Anh không giống thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, nếu sử dụng tiếng Anh một cách "nửa mùa" như quán ăn trong câu chuyện của Trang, hay cửa hàng thời trang trên phố Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), thì sự thịnh tình đón khách chẳng những có phần vơi bớt mà thậm chí còn dễ bị biến thành trò kệch cỡm.

Đừng mãi bao biện

Nhìn sâu hơn vào vấn đề lỗi tiếng Anh ở nơi công cộng, có thể tạm giải thích rằng ngôn ngữ này không phải là "tiếng mẹ đẻ" của Việt Nam, nên chuyện nhiều người dân mắc sai sót là dễ hiểu và thông cảm được. Và bởi tiếng Việt vẫn còn nhiều người sai thì huống chi là tiếng Anh.

Tuy nhiên, chúng ta không thể mãi mang "lý do khách quan" này ra để bao biện, để xảy ra sai sót, để thấy sai mà mãi không sửa.

Cánh cửa dán chữ “wellcome” của cửa hàng kia đã có bao nhiêu ngày, nhưng người chủ vì không biết sai hay ngại sửa tốn kém, phiền phức mà cứ để nó tiếp tục tồn tại.

Hãy thử đặt tình huống một ngày, bạn đi du lịch tới một đất nước nào đó và thấy thông điệp dành riêng để đón tiếp khách Việt Nam đúng ra phải là "xin chào" thì lại bị viết sai thành "xiin chà", bạn sẽ nghĩ sao về trình độ cũng như “sự hiếu khách” của người dân đất nước đó?

Với người Việt, khi nhìn thấy những tấm biển ghi sai kiểu như "fast foot", "wellcome", hay “infomation”… nhiều người có thể coi đó là hình ảnh hài hước, mỉm cười cho qua, nhưng với du khách nước ngoài, liệu rằng những lỗi sơ đẳng này cứ thấp thoáng khắp mọi nơi có để lại một ấn tượng xấu?

“Hãy gọi báo cho người có chức năng, nhiều lần, họ sẽ phải sửa. Tôi đã từng gọi cho UBND một huyện ở Hà Nội và Sở văn hóa một tỉnh khi họ viết sai các bảng chào đón to đùng “Wellcome to” thừa một chữ l, và “See you againt” thừa chữ t. Và sau đó, họ đều sửa ngay”, một bạn đọc chia sẻ trên mạng.

Linh San

 >> Lỗi chính tả tiếng Anh ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
>> Thi hùng biện tiếng Anh về biển, đảo
>> Olympic tiếng Anh trên internet 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.