Hơn 1.900 tỉ đồng phòng chống tội phạm từ 2012-2015

25/03/2013 15:23 GMT+7

(TNO) Sáng 25.3, tại TP.HCM, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Công an phối hợp tổ chức hội nghị triển khai dự án Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình phòng chống tội phạm giai đoạn 2012-2015 với tổng kinh phí hơn 1.900 tỉ đồng.

Trung tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đây là dự án rất quan trọng, phạm vi triển khai rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở nhằm đạt được mục tiêu phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân nâng cao nhận thức về pháp luật và chấp hành pháp luật; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Theo đánh giá của trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm khó khăn về sản xuất, kinh doanh, nổi lên là hoạt động của tội phạm hình sự, tội phạm hoạt động có tổ chức tại các đô thị lớn.

Tính chất phạm tội ngày càng nguy hiểm, mạnh động hơn. Hằng năm, số vụ giết người trung bình xảy ra trên 1.000 vụ, trong đó nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng với tính chất tàn bạo.

Nguyên nhân phần lớn do mâu thuẫn bộc phát trong quan hệ gia đình, xã hội, nhiều đối tượng phạm tội còn trẻ, chưa có tiền án, tiền sự hoặc nghiện ma túy…

“Thực trạng này phản ánh những vấn đề đáng báo động về sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống và chấp hành pháp luật”, trung tướng Đỗ Kim Tuyến nói.

“Tội phạm kinh tế, tham nhũng vẫn xảy ra nhiều, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của nhà nước, nổi lên là vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, quản lý tài sản công, tình trạng vỡ nợ, vỡ hụi, vỡ “tín dụng đen”, nợ xấu kéo theo nhiều hệ lụy”, trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết thêm.

Cũng theo ông Tuyến, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo diễn ra phức tạp, nổi lên là hành vi sử dụng thẻ ATM giả, thẻ thanh toán giả để rút tiền; thành lập chi nhánh bán hàng đa cấp tại nhiều tỉnh thành lôi kéo nhiều người tham gia và chiếm đoạt số tiền lớn.

Đáng chú ý, số vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao do người nước ngoài thực hiện gia tăng trong thời gian gần đây.

Tin, ảnh: Đình Phú

>> Sinh viên phòng chống tội phạm
>> Tổng kết công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm…
>> Sáp nhập, lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ
>> Chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.