Không phải vào hội đã được coi là “nhà”
Trên thực tế, không có bất kỳ văn bản nào quy định danh xưng nghề nghiệp. Thông thường, cơ quan mà cá nhân làm việc sẽ thừa nhận danh xưng nghề nghiệp cho họ. Chẳng hạn, nhà hát kịch thừa nhận danh xưng cho diễn viên, đạo diễn… Ngoài ra, các hội nghề nghiệp cũng có thể được coi là nơi cấp "giấy chứng nhận” cho danh xưng. Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy.
|
Các hội nghề nghiệp đều có những quy định trong việc kết nạp hội viên. Chẳng hạn, người viết văn cần có tác phẩm và phẩm chất nhà văn mới được xét là hội viên của hội nhà văn.
|
“Mặc dù cá nhân được kết nạp vào hội là đã được chứng nhận ở mức độ nhất định về trình độ nghề nghiệp. Nhưng không có quy định cứ vào hội là được gọi là nhà văn, nhà thơ”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, thẳng thắn cho biết. “Chung quy lại vẫn phải dựa vào chất lượng sáng tác, công việc của cá nhân đó”, ông nói.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo T.Ư) ví dụ, cả nước có đến hàng trăm hội thơ, hội thơ cấp phường, TP, cho đến cấp T.Ư. “Vậy ai tham gia cũng đều xứng đáng được gọi là nhà thơ ?”, ông đặt câu hỏi. “Không chỉ vậy, có người tham gia đủ các hội, vậy hội nào anh ta chuyên nghiệp, hội nào là nghiệp dư ?”. Hiện tại, các hội văn học nghệ thuật cấp T.Ư tập trung chủ yếu các văn nghệ sĩ hoạt động chuyên nghiệp trên khắp cả nước, nhưng “giữa các hội hiện nay cũng cần phải có một đợt tổng kiểm kê phân định chất lượng nghề nghiệp của hội viên”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.
Giải pháp nào để quản lý ?
Bên cạnh những cá nhân hoạt động trong các đơn vị do nhà nước quản lý hay các hội nghề nghiệp, còn có đối tượng khác là các văn nghệ sĩ tự do.
Trước đây, nhà quản lý từng đưa ra giải pháp - mà một trong những mục đích để quản lý danh xưng trong lĩnh vực biểu diễn (trong đó có cả các nghệ sĩ tự do) - là cấp thẻ hành nghề. Có ý kiến cho rằng thẻ hành nghề nên được mở rộng tới các đối tượng văn nghệ sĩ ở những lĩnh vực khác để tránh tình trạng loạn danh xưng như hiện nay. Nhưng nhìn lại, thẻ hành nghề có phải là giải pháp đúng đắn? Bởi sau khi áp dụng trong lĩnh vực biểu diễn một thời gian, thẻ hành nghề không thay đổi được những bất cập trong quản lý và đã bị bãi bỏ.
Theo quan điểm cá nhân của ông Nguyễn Thành Nhân (Cục Nghệ thuật biểu diễn), không cần thiết phải có thẻ hành nghề. Ông cho rằng trong thời đại này, cá nhân có năng lực cần được khuyến khích hoạt động nghề nghiệp tự do. Trong khi, thẻ hành nghề chỉ gây ra những rắc rối không đáng có. Chẳng hạn người mẫu có năng khiếu tham gia đóng phim có thể trở thành diễn viên. Nhiều giọng ca chưa qua trường lớp đào tạo nhưng có tài năng được nhiều khán giả trẻ yêu thích. Ngoài ra, theo ông Nhân, thẻ hành nghề không thể giúp hạn chế các sai phạm trong lĩnh vực biểu diễn.
Nói đến hoạt động của các nghệ sĩ tự do, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng cần có quy định về hành nghề tự do để thừa nhận tư cách của các nghệ sĩ, cho phép họ được công bố tác phẩm dù “nhà quản lý có thể hiểu hay không”. Quy định này không hạn chế sự tự do sáng tạo của nghệ sĩ, nhưng cần giống như chiếc gậy giám sát vô hình, ông nói thêm.
N.Vân |
Minh Ngọc
>> Loạn... danh xưng
>> Chưa nhận được văn bản từ chối của 2 nhà văn
>> Hội Nhà văn giải thích về bằng khen văn chương
Bình luận (0)