Ẩn họa từ thức ăn đường phố

27/03/2013 10:39 GMT+7

Lực lượng thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) mỏng, thiếu cán bộ chuyên trách kiểm tra trực tiếp ở địa phương đã làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm...

Ẩn họa từ thức ăn đường phố
Rất khó quản lý và kiểm tra chất lượng VSATTP các xe bán thức ăn lưu động trên đường phố - Ảnh: Nguyễn Tú

Trong 5 tháng, TP.Đà Nẵng xảy ra 2 vụ ngộ độc bánh mì, một loại thức ăn đường phố phổ biến. Mới đây nhất là vụ ngộ độc bánh mì quầy hàng bà Thái (chợ Mai, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) hôm 6.3 với gần 30 người ở khu vực Sơn Trà mắc phải, trong đó có 5 trẻ em. Các bệnh nhân nhập viện rải rác và được điều trị tại các bệnh viện khu vực Q.Sơn Trà, đến ngày 10.3 mới khỏe hoàn toàn và xuất viện.

Trước đó, cuối tháng 11.2012, bánh mì cửa hàng Đồng Tiến trên đường Phan Đăng Lưu, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng cũng làm cho 70 người nhập viện. Đó chỉ mới là những con số được ghi nhận được tại các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám đa khoa, còn số người tự điều trị và mua thuốc ở cửa hiệu thuốc tây thì không tính được. Số liệu mới nhất của Chi cục VSATTP TP.Đà Nẵng cho thấy hiện toàn thành phố có hơn 3.000 cơ sở thức ăn đường phố, phổ biến là quầy bánh mì, thức ăn, hàng rong, quán xá vỉa hè tạm bợ cùng với hơn 1.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, chưa kể những trường hợp bán lưu động, bán theo mùa.

Lực lượng thanh tra còn mỏng

 

Qua xét nghiệm 9 mẫu thực phẩm của quầy bánh mì bà Thái (chợ Mai, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) xác định, vi khuẩn tụ cầu vàng (staphylococcus aureus) có trong sốt trứng gà (vượt 10 lần)  và chả bò (vượt 6 lần) là nguyên nhân làm 27 người bị ngộ độc. Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt chủ quầy bánh mì bà Thái 2,5 triệu đồng về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực VSATTP. Sắp đến, Chi cục VSATTP sẽ tổ chức tập huấn, khám sức khỏe cho người bán bánh mì nhằm tránh nguy cơ ngộ độc bánh mì đường phố.  (Ng.Tú)

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP TP.Đà Nẵng cho biết, hằng năm Chi cục VSATTP mở 4 đợt cao điểm huy động các lực lượng liên ngành ra quân kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Do lực lượng mỏng, Chi cục VSATTP không thể rải lực lượng khắp các quận huyện.

Trong khi đó, theo ông Tiến, nhiệm vụ quản lý các hàng quán này thuộc về UBND các xã, phường nhưng địa phương vẫn chưa có cán bộ chuyên trách, mà chỉ mới giao cho cán bộ y tế kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ và thiết bị để ngăn ngừa tình trạng không đảm bảo VSATTP. Theo quy định, loại hình thức ăn đường phố không bị bắt buộc lưu giữ mẫu bán ra trong ngày. Ông Nguyễn Minh Tiến cho hay, sau khi nhận được tin báo về vụ ngộ độc bánh mì ở chợ Mai, đơn vị cùng Đội y tế dự phòng Q.Sơn Trà đã lập biên bản tạm đình chỉ quầy hàng bánh mì Bà Thái và lấy các mẫu nước tương, dưa chua, bơ, lạp xưởng, rau sống, chả bò, riêng 2 mẫu pa tê và thịt đã bán hết nên không thu được mẫu. Trong vụ ngộ độc bánh mì Đồng Tiến cuối tháng 11.2012 cũng vậy, Chi cục VSATTP cũng không thu giữ được mẫu thực phẩm và bánh mì do cửa hàng đã bán hết. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm 4/5 mẫu thực phẩm rau sống, dăm bông, thịt nguội, pa tê đều nhiễm Coliforms và E.Coli vượt quá giới hạn cho phép từ 2-15 lần.

Do không quy định lưu mẫu, nên cơ quan chức năng rất khó xác định nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm gây ngộ độc để xử lý tận gốc nơi cung cấp thực phẩm kém chất lượng. Và hiện nay mức phạt xử lý hành chính đối với các trường hợp gây ra ngộ độc thực phẩm còn thấp, tối đa chỉ 15 triệu đồng và chỉ cần khắc phục điều kiện vệ sinh sản xuất, kinh doanh là được trở lại hoạt động, nên chưa đủ sức răn đe.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.