Chinh phục biển với... 8 triệu đồng

27/03/2013 10:27 GMT+7

Đến xã miền biển Vĩnh Lương (TP.Nha Trang) không chỉ nghe chuyện ông Nguyễn Tơn (thường gọi là ông Hai Tơn) làm giàu từ 8 triệu đồng vốn vay mà còn biết về ông như một “người hùng” của làng chài.

Chinh phục biển với... 8 triệu đồng
Ông Hai Tơn thăm hỏi những ngư dân trước khi nhổ neo ra biển đánh bắt hải sản.

Chinh phục biển với... 8 triệu đồng
 Kiểm tra neo đậu tàu thuyền là công việc thường xuyên của ông Hai Tơn.

Chinh phục biển

Về thôn Vân Đăng, một làng chài ven biển thuộc xã Vĩnh Lương, hỏi ông Hai Tơn thì ai cũng biết. Ông năm nay gần 70 tuổi, với 45 năm đạp sóng chinh phục biển. Ông Tơn kể: Những năm sau ngày giải phóng, ông khởi nghiệp bằng chiếc ghe cũ 10CV, chuyên câu cá, đánh lưới ven bờ. Sau nhiều năm bôn ba và miệt mài lao động, nhưng kinh tế gia đình vẫn khốn khó. Chiếc ghe cỏn con ấy không đủ sức vươn ra xa nên hiệu quả đánh bắt không cao. Vốn là người chịu khó, hay giúp đỡ các ngư dân khác trong lúc hoạn nạn trên biển, nên năm 1998, ông Tơn được Hội Nông dân xã Vĩnh Lương tin tưởng chọn và đứng ra bảo lãnh cho vay 8 triệu đồng để nâng cấp ghe thuyền đánh cá.

Sau khi có vốn vay, ông đầu tư nâng công suất ghe lên 22CV để đi xa hơn với việc bắt tay vào làm nghề giã cào. Nghề giã cào do có ghe lớn nên bám biển dài ngày hơn, nghề này lại rất mới, ít người làm nên năng suất thu lại cao hơn các nghề đánh bắt hải sản khác. Vì thế, sau hơn 5 năm gắn bó với nghề, gia đình ông đã tích góp được tiền đóng liên tiếp 2 chiếc tàu cá, mỗi chiếc có công suất lên đến 300CV, tổng giá trị gần 2 tỉ đồng. Theo tính toán, hiện mỗi năm đội tàu của ông mang lại không dưới 300 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Bên cạnh đó, mỗi chiếc tàu đánh bắt hải sản còn giải quyết việc làm cho 10 lao động, với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng. “Ngày đó, cầm 8 triệu đồng trong tay mà như vớ được “cả núi vàng”. Khi có được vốn, tôi lập tức kêu người nâng cấp ghe, mua sắm trang thiết bị để vươn xa. Vì tôi biết rằng, đã là ngư dân nếu không tìm cách vươn ra biển lớn thì vẫn túng nghèo. Nay, tôi mừng vì điều đó đã đúng”, ông Tơn tâm sự.

“Người hùng” cứu hộ

Không chỉ là gương sáng trong làm kinh tế, ông Tơn còn được ngư dân yêu mến hơn khi có nhiều đóng góp cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển. Vốn là ngư dân có thâm niên, ông hiểu được những mối nguy từ những cơn bão trên biển luôn rình rập, gây nhiều thiệt hại cho ngư dân. Nhiều lần ghe thuyền ngư dân bị nạn, ông Tơn cảm thấy xót và ấp ủ tìm giải pháp cứu hộ. Năm 2006 ông quyết định đứng ra vận động ngư dân lập tổ tìm kiếm cứu hộ trên biển, dù ban đầu chỉ có vài người tham gia. Hằng ngày, đội cứu hộ do ông đứng đầu có trách nhiệm cập nhật thông tin thời tiết rồi thông báo cho tàu thuyền; khi có bão, ông cùng với tổ công tác đi đến từng nhà kêu gọi, vận động ngư dân chủ động đưa ghe thuyền đi trú tránh nơi an toàn.

Theo thống kê, từ năm 2006 đến nay đội cứu hộ do ông Tơn trực tiếp chỉ huy đã cứu được 5 chiếc tàu bị hỏng máy trên biển, trục vớt cả trăm ghe thuyền bị đắm khi có bão gây sóng to, gió lớn. Thấy được hiệu quả, năm 2009 tổ cứu hộ của được chính quyền công nhận là Đội cứu hộ trên biển thuộc xã Vĩnh Lương. Sau đó đội được kiện toàn, đến nay đã có tất thảy 7 tàu đánh cá cỡ lớn với hàng chục ngư dân tham gia, riêng ông Tơn tự nguyện đưa hai chiếc tàu lớn và vận động 10 thuyền viên trong đội tàu của mình thường xuyên tham gia. Ông Phạm Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương nhận xét: “Ông Tơn là người được dân yêu mến, tin tưởng và là tấm gương sáng cho nhiều người noi theo. Những việc làm thiết thực của ông đã giúp đỡ được nhiều cho ngư dân Vĩnh Lương. Ghi nhận những thành tích đó, vừa qua ông Tơn được cử đi Hà Nội để báo cáo điển hình về gương sản xuất kinh tế giỏi về hoạt động ngư nghiệp”.

Trong hai năm nay, dù có nhiều cơn bão ập vào bờ, nhưng làng chài Vĩnh Lương vẫn yên bình. Sự yên bình ấy luôn gắn với cái tên: Hai Tơn.

Hiền Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.