Khi học sinh nghiên cứu về giới tính

28/03/2013 03:55 GMT+7

Một đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh THPT tại TP.HCM đề cập đến thái độ của chính học sinh đối với vấn đề giáo dục giới tính.

Đó là đề tài nghiên cứu của 2 học sinh Trịnh Thị Bích Phượng và Châu Hoàng Minh Phương lớp 11/A12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Với tên gọi “Thái độ của học sinh THPT với giáo dục giới tính”, đề tài đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia khu vực phía nam. 

Vì biết sơ sài nên phải tìm hiểu

Trịnh Thị Bích Phượng kể: “Cách đây khoảng 3 tháng, chúng em đọc báo thấy xã hội đang báo động tình trạng phá thai, trong đó lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ không nhỏ. Vậy mà môn học giáo dục công dân ở lớp 10 có duy nhất bài Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình đề cập đến nội dung này. Ngay bản thân em cũng hiểu về vấn đề này rất sơ sài. Thế nên chúng em đặt câu hỏi không biết các bạn xung quanh hiểu về chuyện này như thế nào?”.

 Khi học sinh nghiên cứu về giới tính
Bích Phượng và Minh Phương cùng 2 giáo viên hướng dẫn - Ảnh: B.Thanh

Cô Phạm Thị Kim Tuyến dạy môn giáo dục công dân và giáo viên tâm lý Nguyễn Thị Diễm Kiều khi nghe học trò trình bày ý tưởng đã rất vui vì thấy học sinh nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề. Thế là 2 giáo viên này trở thành người trực tiếp hướng dẫn và theo sát học sinh khi thực hiện đề tài.

 

...chứng tỏ giáo dục giới tính chưa thực sự hiệu quả dù rằng có 66,9% học sinh nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục giới tính

Trịnh Thị Bích Phượng, học sinh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền

Vượt qua ngại ngùng của bản thân và mọi ánh mắt e ngại của bạn bè, Bích Phượng cùng Minh Phương đã thực hiện khảo sát trong 241 học sinh của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền bằng cách điều tra qua bảng câu hỏi trắc nghiệm, quan sát thái độ của các bạn trong các giờ học lồng ghép nội dung giới tính để đánh giá mức độ quan tâm, quan sát các bạn trong giờ ra chơi để thấy được cách ứng xử với bạn khác giới…

Sau khi khảo sát và thống kê số liệu, Bích Phượng cho biết: “Khi hỏi những hiểu biết về bệnh lây qua đường tình dục, tỷ lệ các bạn trả lời “chưa hiểu rõ lắm” chiếm rất cao. Đối với học sinh nam, tỷ lệ này lần lượt ở khối 10, 11, 12 là 50%, 33%, 46%. Còn đối với học sinh nữ là 42%, 45%, 62%. Điều này chứng tỏ giáo dục giới tính chưa thực sự hiệu quả dù rằng có 66,9% học sinh nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục giới tính”.

Không chỉ là chuyện của người lớn

Từ những kết quả nói trên, 2 học sinh này đã đề xuất một số biện pháp để phổ biến và giúp việc giáo dục giới tình hiệu quả. Theo Minh Phương, cần có sự phối hợp từ gia đình, nhà trường và chính các bạn học sinh. Trong gia đình, cần tránh những thành kiến sai lầm như “vẽ đường cho hươu chạy” hay “giáo dục giới tính là chuyện tình yêu, tình dục, chỉ dành cho người lớn”… Cha mẹ cũng cần trang bị thêm kiến thức này thông qua các buổi hội thảo để kịp thời giải đáp những thắc mắc cho con em.

Về phía nhà trường, xây dựng chương trình học thông qua các buổi ngoại khóa thân thiện, giúp học sinh dễ hỏi, dám thổ lộ một cách chân tình. Nói đến tình dục không chỉ là chuyện giao hợp mà bao gồm toàn bộ các khía cạnh liên quan như thể chất, đạo đức xã hội, tâm lý… Giáo dục giới tính là giáo dục toàn diện chứ không đơn thuần chỉ là dạy cách sử dụng các biện pháp tránh thai.

Bích Thanh

>> Người lớn là... rào cản khi giáo dục giới tính
>> Giáo dục giới tính cho học sinh
>> Kiện nhà trường vì giáo dục giới tính không chính xác
>> Giáo dục giới tính càng sớm càng tốt
>> Malaysia cấm sách giáo dục giới tính “tục tĩu”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.