Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc

27/03/2013 11:05 GMT+7

Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội dân gian rộn rịp nhất ở Cà Mau và là một trong 60 lễ hội tiêu biểu của Việt Nam. Lễ hội hình thành từ năm 1925, gắn liền với tín ngưỡng và lăng thờ cá Ông ở thị trấn Sông Đốc (H.Trần Văn Thời).

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc
Đoàn tàu diễu hành ra khơi “rước Ông” về - Ảnh: Trần Dũng

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc
Nghi lễ chính tại Lăng Ông - Ảnh: Trần Dũng

Lễ hội được tổ chức thường niên trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch. Ngày 15, chính lễ bắt đầu từ 14 giờ. Chủ lễ cùng ban trị sự lăng trang trọng thỉnh long đỉnh (lư hương) lên kiệu, được 8 học trò lễ (tuyển chọn từ những nữ sinh con em ngư dân) khiêng và theo hầu. Ban cờ ngũ sắc 54 cây, đội binh khí (kiếm, kích, bát xà mâu), múa mâm, chập chả… ăn mặc lễ phục xếp thành hàng dài xuất phát từ Vạn Lăng Ông. Bà con và khách thập phương cũng nhập đoàn ra bến cảng. Dưới bến lúc này đã có hàng trăm chiếc tàu đánh cá được trang trí cờ, băng rôn đang neo đợi chờ sẵn. Có hàng ngàn người trong vùng và lân cận đến cúng viếng, tham dự lễ và lên tàu ra khơi.

Tàu chủ là chiếc tàu lớn (hoặc 3 chiếc) được bầu chọn đi nghinh Ông. Tàu trang hoàng dây cờ, băng rôn lộng lẫy nhất. Các nghi lễ chính diễn ra trên tàu này. Các tàu ghe khác cũng trang trí đẹp và đều mong khách lên tàu mình càng đông thì càng vui. Đoàn tàu xuất bến ra biển, rầm rộ và sôi động cả một vùng nước. Nếu gặp Ông phun nước (Ông “dội”) thì rước Ông về ngay. Nếu không gặp thì chủ lễ đọc bài  “Nguyện hương” và xin “keo”, khi nào xin được thì thỉnh Ông về. Thường là ra tới vùng nước xanh xa bờ 5, 7 cây số. Về đến Vạn Lăng Ông mới tổ chức nghi thức tế lễ chính và thỉnh ông vào chánh điện an vị. Bà con và khách thập phương dâng cúng phẩm vật tại đây cho đến khuya.

Lễ hội ngày nay được lược bớt phần nghi thức rườm rà có màu sắc dị đoan. Ngành văn hóa - thể thao - du lịch và chính quyền địa phương phối hợp xây dựng kịch bản lễ hội, tổ chức thi đấu thể thao hiện đại và nhiều bộ môn dân gian, hội diễn nghệ thuật quần chúng, thi đờn ca tài tử... Ngành thủy sản thả tôm cá phóng sinh và cùng với cơ quan chức năng tuyên truyền, kiểm tra về thân tàu, máy móc, phao cứu sinh.

Trước đây, khách dự lễ được nhiều gia đình cố cựu ở Sông Đốc mời cơm, lo chỗ ngủ. Gia chủ cho đó là niềm vinh dự và may mắn. Đây cũng là phong cách hào hiệp, hiếu khách vốn có của người Cà Mau.

Phạm Anh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.