25 người bị thương, hơn 8.100 ngôi nhà bị hư hại
|
Nguyên nhân gây ra trận mưa đá lịch sử này là gì, thưa ông?
Khoảng 4 - 5 ngày trước, Lào Cai chìm trong nắng nóng gay gắt, cộng thêm gió khô Ô Quý Hồ thổi mạnh khiến mặt đất bị hun nóng và khô khốc. Rạng sáng 27.3, gió mùa đông bắc tràn xuống, sự xung đột giữa hai khối khí nóng và lạnh kích thích sự đối lưu phát triển mạnh. Hơi nước bốc lên cao, ngưng tụ lại thành hạt đá nhỏ, những hạt đá này tiếp tục đông kết và dính lại nhau tạo nên những hạt đá to hơn. Hàng ngàn ngôi nhà của người dân đã bị thổi bay mái là do sức tấn công ghê gớm của sự kết hợp giữa sức công phá của những hạt đá to rơi từ trên cao xuống và gió giật mạnh.
Không chỉ ở Lào Cai, mưa đá trong những ngày gần đây đã liên tiếp xuất hiện tại một loạt các tỉnh, thành. Đây có phải là sự bất thường?
|
Theo tôi thì mưa đá xảy ra ở Lào Cai và trước đó là ở Kon Tum, Quảng Nam và một số địa phương khác là hiện tượng thời tiết cực đoan, mức độ nguy hiểm chỉ đứng sau bão và mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, các hiện tượng này đang xảy ra theo đúng quy luật.
Bây giờ đang là thời điểm giao mùa giữa mùa lạnh và mùa nóng nên cũng là mùa của mưa đá và giông lốc. Mưa đá có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên cả nước nhưng ở các tỉnh miền núi phía bắc thì khốc liệt hơn, nhất là xảy ra khi không khí lạnh tràn xuống.
Bao giờ thì “mùa” mưa đá mới kết thúc?
Giông lốc, mưa đá có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên địa bàn cả nước trong khoảng thời gian giao mùa. Hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm, có sức tàn phá ghê gớm này sẽ chỉ giảm dần và tạm thời “biến mất” khi mùa mưa đến, tức là hết tháng 5 này.
Chúng ta có dự báo được bao giờ mưa đá xảy ra và xảy ra ở đâu?
Điều này chúng ta chưa làm được. Các nước tiên tiến trên thế giới cũng không phải là ngoại lệ. Chúng tôi chỉ có thể cảnh báo mưa đá kèm theo giông lốc ở một khu vực tương đối rộng lớn dựa trên những dữ liệu quan trắc được và hệ thống thời tiết nguy hiểm.
Người dân có thể nhận biết được mưa đá có thể chuẩn bị xảy ra dựa vào một vài đặc điểm như: ban ngày mà có giông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời; ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột. Nếu thấy có cảnh báo mưa đá và những dấu hiệu nhận biết như trên, đặc biệt là vào ban đêm, người dân đang ở những ngôi nhà ngói, lợp tấm prô xi măng thì nên nhanh chóng di chuyển sang những ngôi nhà kiên cố, chẳng hạn như nhà mái bằng, nhà tầng gần nhất để trú tránh.
Huy động tấm lợp giúp dân Ông Ma Quang Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, cho biết theo thống kê sơ bộ, tính đến chiều qua mưa đá đã làm 25 người bị thương phải nhập viện điều trị, trong đó có trường hợp bị chấn thương sọ não. Trận mưa đá làm thủng, hư hại 8.111 ngôi nhà và 780 ha hoa màu bị dập nát. Trong đó, H.Mường Khương là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 3.273 hộ dân có nhà ở bị hỏng mái hoàn toàn. Trên địa bàn H.Bắc Hà có 2.536 ngôi nhà bị hư hỏng chủ yếu phần mái lợp và H.Si Ma Cai có 2.302 ngôi nhà bị hỏng mái hoàn toàn. Nhiều trụ sở, trường học, trạm y tế cũng bị hư hại nghiêm trọng. “Có những xã gần như nhà nào cũng bị thủng mái, bay ngói, chúng tôi đang phải huy động tấm lợp từ các tỉnh lân cận và điều động dân quân tự vệ, công an, bộ đội và cán bộ công nhân viên chức ở các xã, các huyện lân cận hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai”, ông Trung cho biết. |
Quang Duẩn
Bình luận (0)