Phiên đấu thầu vàng khó hiểu

29/03/2013 02:36 GMT+7

Sáng 28.3, phiên đấu thầu vàng đầu tiên do Ngân hàng Nhà nước tổ chức bị cho là khiến giá trên thị trường tăng thay vì giảm.

Đúng 8 giờ 30, 21 thành viên đăng ký tham gia phiên đấu thầu 26.000 lượng vàng miếng SJC loại 1 lượng, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra đấu giá, đều có mặt. Đến khoảng hơn 9 giờ, NHNN chính thức công bố giá sàn đấu thầu là 43,81 triệu đồng/lượng (không có giá trần) và lập tức gây ngạc nhiên lớn ở các thành viên tham gia. Đại diện một thành viên tham gia đấu thầu thốt lên: “Không hiểu NHNN có ý gì khi đưa ra mức giá này và khả năng các thành viên sẽ không đặt giá”. Lý do gây thắc mắc lớn là giá sàn NHNN đưa ra quá cao so với giá thị trường cùng thời điểm. Lúc đó giá vàng miếng SJC trên thị trường chỉ là 43,37 triệu đồng/lượng.

Mức giá sàn quá cao lập tức tác động đến giá thị trường. Vài phút trước khi vào phiên đấu thầu chính thức, giá mua - bán vàng miếng SJC từ mức 43,35 - 43,45 triệu đồng/lượng giảm còn 43,22 - 43,37 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, sau khi NHNN đưa ra giá sàn đấu thầu 43,81 triệu đồng/lượng, ngay lập tức giá vàng miếng SJC ngoài thị trường tăng vọt lên 43,65 - 43,8 triệu đồng/lượng. Sau khi phiên đấu thầu kết thúc, giá vàng miếng SJC trên thị trường giảm nhẹ, tuy nhiên đến cuối ngày giá vàng miếng SJC tăng vọt lên 43,7 - 43,85 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới giảm 3 USD/ounce so với buổi sáng, xuống 1.602 USD/ounce (tăng 10 USD so với ngày 27.3). Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới từ 2,75 triệu đồng/lượng trước đó đã tăng lên 3,34 triệu đồng/lượng.

Phiên đấu thầu vàng khó hiểu
Giá vàng trên thị trường tăng lên sau khi phiên đấu thầu diễn ra - Ảnh: Đ.N.Thạch

Kết quả đấu thầu được NHNN thông báo vào đầu giờ chiều cùng ngày: Chỉ có 2/21 đơn vị trúng thầu với mức giá bằng giá sàn 43,81 triệu đồng/lượng, mỗi  đơn vị trúng thầu 1.000 lượng vàng. Nhiều thành viên tham gia đấu thầu cho biết họ chẳng hiểu 2 đơn vị đó chịu mua vàng với mức giá cao như thế để làm gì? Có thể, một số ngân hàng chấp nhận như vậy do đến ngày 30.6, các ngân hàng sẽ phải hoàn tất các trạng thái huy động vàng, hoàn trả toàn bộ số vàng đã huy động trước đó cho dân.

Một thắc mắc khác là vì sao NHNN lại đưa ra mức giá sàn 43,81 triệu đồng/lượng mà không phải mức giá trần? Như thế, liệu NHNN có thật sự muốn đưa 26.000 lượng vàng ra thị trường hay không? Rõ ràng mức giá sàn cao mà NHNN đưa ra đã tạo kỳ vọng giá vàng tăng cho thị trường. Trong khi đó, mục đích của việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng - theo NHNN - là nhằm đưa giá vàng trong nước bám sát giá thế giới. TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP.HCM - nhận định: “Đấu thầu vàng về mặt vĩ mô thì là ý tốt tạo nguồn cung cho thị trường. Thế nhưng khi đi vào chi tiết kỹ thuật thì đúng là có vấn đề, cần xem lại NHNN có ý gì. Mức sàn đấu giá vàng vô tình đẩy giá trên thị trường tăng thay vì giảm. NHNN cần có lời giải thích khi đưa ra mức giá này”.

Đấu thầu vàng giải quyết vấn đề gì ?

Không có ngân hàng trung ương nước nào lại can thiệp quá sâu vào thị trường vàng để thực hiện bình ổn. NHNN còn nhiều việc quan trọng hơn việc thực hiện bình ổn giá vàng như giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng... Tổ chức các cuộc đấu thầu vàng như vậy giải quyết được vấn đề gì. Nếu mục đích kéo giá vàng trong nước sát giá vàng thế giới sẽ xuất hiện dòng tiền chết nhiều hơn khi người dân mua vàng. Để hạn chế đầu cơ trên thị trường vàng hay bình ổn thị trường vàng, cơ quan chức năng nên dùng chính sách thuế để điều tiết.

Ông Nguyễn Hoàng Hải
 - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.