Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục - Kỳ 4: Cần giải quyết từ gốc

30/03/2013 03:50 GMT+7

Những thiết bị dù là tối tân nhất để chống gian lận trong thi cử chỉ là phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề vẫn là chương trình, việc dạy và học, cách kiểm tra, đánh giá, tuyển dụng phải đi vào thực chất.

>> Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục - Kỳ 3: Học thật, thi thật
>> Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục - Kỳ 2: Thỏa hiệp hay bơi ngược dòng ?
>> Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục

Thi cử quá nặng nề

Khi Bộ GD-ĐT quyết định cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi với mong muốn cùng toàn ngành phanh phui những hành vi gian dối trong thi cử, nhiều người đã thực sự cảm thấy lo lắng bởi chính ngành GD-ĐT cũng không đủ tự tin vào đội ngũ của mình.

Khi được hỏi trường có lắp máy quay để theo dõi sinh viên học hành, thi cử, ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nói: “Tôi không nghĩ rằng máy móc có thể giải quyết được điều gì nếu không tin vào đội ngũ các thầy và tin vào chất lượng đào tạo của chính trường mình”. Theo ông Sơn, thi cử chỉ là một khâu, để đánh giá cả thầy lẫn trò phải là  cả quá trình đào tạo.

Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục - Kỳ 4: Cần giải quyết từ gốc
 Học sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

GS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng gốc rễ vấn đề chính là đạo đức người thầy. "Nếu thầy được giao nhiệm vụ mà làm việc nghiêm túc, theo đúng quy chế thi cử trong phòng thi thì làm sao thí sinh có thể gian lận được”, ông Nhĩ nhấn mạnh. Nguyên nhân thứ hai,  theo ông Nhĩ việc thi cử của ta quá áp lực, một kỳ thi nặng nề về điểm số và thành tích chỉ tạo điều kiện cho gian lận, tiêu cực sinh sôi.

GS Hoàng Tụy chỉ ra rằng hệ thống giáo dục đang được xây dựng trên cơ sở hư học, học vẹt, học theo lối từ chương, khoa cử đầy rẫy giả dối trong phương thức và nội dung. Làm sao trong một nền giáo dục như thế mà thi cử, học hành có thể nghiêm túc, không quay cóp, không chạy điểm, không chạy bằng. “Cách thi cử lạc hậu cũng là một nguyên nhân trực tiếp đẻ ra tiêu cực. Vậy nên cải cách thi cử cũng là biện pháp hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt và hạn chế tiêu cực trong giáo dục”, GS Tụy đề nghị.

Anh Hoàng Phi, một phụ huynh tâm sự: “Tôi thực sự không hiểu vì sao học sinh phải thi cử nặng nề đến thế. Cháu lớn nhà tôi học trường “điểm” ở Hà Nội, cứ gần đến mỗi kỳ thi là có một tập tài liệu dày cộp của từng môn; trong khi đó, cháu thứ hai học trường quốc tế thì thi hết kỳ, hết môn lúc nào cả nhà cũng không biết vì nhà trường không hề có áp lực gì với các kỳ thi.

Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng từng nhận định: “ Ở các nước người ta thi một cách đơn giản, kiểm tra tích lũy và có thể đánh giá từng giai đoạn ngắn để công nhận kết quả. Ở ta thi nặng nề quá”. 

Cần đổi mới cách học

Tại sao chưa giảm tải được áp lực của các kỳ thi cũng là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm tại buổi trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong phiên họp Thường vụ Quốc hội vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm, đoàn Tây Ninh cho rằng: “Nếu giảm tải chương trình mà không thay đổi áp lực về thi cử, về cách ra đề thi thì học sinh càng phải lo học thêm, học luyện thi”. Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng thẳng thắn nói: “Muốn thay đổi cách thi thì phải thay đổi cách học. Việc tuyệt đối hóa bằng cấp trong tuyển dụng đã dẫn tới học giả, học để ứng thí. Tôi mong sắp tới công tác tuyển dụng dù không xem nhẹ bằng cấp nhưng phải tuyển được người thực học, thực tài”. Cũng theo ông Luận, khi tiến hành đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT sau 2015, sẽ đổi mới việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục để kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy và học theo yêu cầu đạt chuẩn đầu ra. Chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn; không yêu cầu ghi nhớ máy móc nội dung có sẵn trong sách vở.

Ông Luận cũng đưa ra định hướng mà dư luận đang mong đợi, đó là phối hợp đánh giá trong quá trình học và đánh giá cuối kỳ; tiếp tục đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng đơn giản, hiệu quả, kết hợp kết quả đánh giá quá trình với kết quả thi và sử dụng được kết quả cho việc tuyển sinh CĐ, ĐH.

Trước mắt, người đứng đầu ngành GD-ĐT cho biết sẽ đổi mới công tác đề thi theo hướng ứng dụng các thành tựu của khoa học đánh giá, ra đề theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống và yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp. Đồng thời, phát huy tinh thần đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử của giáo viên, phụ huynh và học sinh, xử lý nghiêm khắc các vi phạm.

Ý kiến

Biện pháp kỹ thuật

Trong các kỳ kiểm tra, chúng tôi chia học sinh các lớp ra và gộp mỗi khối (khối lớp 10, 11 và 12) vài học sinh rồi cho các em thi cùng một phòng. Ngoài ra, mỗi môn, chúng tôi cũng cho ra nhiều đề buộc các em phải tập trung làm bài. Tránh trường hợp các em hỏi bài, quay tới quay lui mất trật tự.

 Ông Trần Ngọc Minh
(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, Q.9, TP.HCM)

Thầy nghiêm khắc, trò sẽ trung thực

Điều quan trọng để học sinh trung thực trong thi cử là ở giáo viên. Nếu thầy cô nghiêm túc trong giảng dạy, nghiêm khắc trong lúc coi thi thì đảm bảo học sinh sẽ trung thực. Ở trường có quy định trong lúc thi, kiểm tra, em nào sử dụng tài liệu để quay bài sẽ bị điểm 0 môn đó và bị hạ bậc hạnh kiểm, cấm thi môn tiếp theo. Sau đó, phải có cam kết của phụ huynh con em mình sẽ không vi phạm trong lúc thi thì các em mới được cho thi tiếp môn sau.

Ông Nguyễn Xuân Khoái
(Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM)                                          

Hổ thẹn với điểm 10

“Có lần mình chứng kiến một bạn trong lớp đạt được điểm tuyệt đối của một môn học nhưng tất cả bạn bè trong nhóm ai nấy cũng ngỡ ngàng và bàn tán xôn xao. Và một điều quan trọng là ngay chính bản thân bạn ấy cũng chẳng vui mà dường như cảm thấy hổ thẹn với điểm 10 vì nó không phản ảnh đúng năng lực học tập của mình.

Trần Thị Tuyết Trang
(Sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Năng lực của bản thân là quan trọng

Học làm sao để hiểu và biết vận dụng những kiến thức từ giảng đường vào thực tế thì khi ra trường mới mong kiếm được việc làm. Một sinh viên lơ là trong việc học, thi cử dựa vào quay cóp rồi chạy bằng mọi cách để được ra trường thì rất khó tồn tại trong bối cảnh thị trường lao động cung đang vượt quá cầu như hiện nay.

Huỳnh Lâm Minh Phúc
(Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Minh Luân - Lê Thanh
(ghi)

Tuệ Nguyễn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.