Ngày 30.3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời Cộng hòa Congo, kết thúc chuyến công du châu Phi. Trước đó, ông đã đi thăm Tanzania và Nam Phi.
Việc chọn châu Phi làm điểm đến trong chuyến công du đầu tiên, kể từ khi ông Tập chính thức nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc, khẳng định vai trò quan trọng của lục địa đen đối với Bắc Kinh. Theo báo Asia Times, vào năm 2009, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Từ năm 2000 đến nay, tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên tăng từ mức 10 tỉ USD lên 200 tỉ USD mỗi năm. Bắc Kinh cũng đẩy mạnh viện trợ phát triển cho châu Phi khi cam kết 10 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển khác vào năm 2009. Năm ngoái, cam kết từ Bắc Kinh đã tăng lên đến 20 tỉ USD. Trong chuyến công du lần này, Chủ tịch Tập cam kết Trung Quốc sẽ cho các nước châu Phi vay 20 tỉ USD trong vòng 2 năm tới.
|
Không chỉ bỏ ra nhiều tiền mà Bắc Kinh cũng rất “thoải mái” khi chẳng đề ra những điều kiện ràng buộc nào đi kèm các khoản viện trợ cho châu Phi. Điều này hoàn toàn trái ngược với phương Tây, thường yêu cầu các đối tác ở lục địa đen phải giảm nghèo, bài trừ tham nhũng… Vì thế, kiểu viện trợ không ràng buộc giúp Bắc Kinh được chào đón nồng nhiệt trong thời gian đầu.
Chỉ trích nặng lời
Tuy nhiên, “tuần trăng mật” của Trung Quốc tại châu Phi dường như đang kết thúc khi giới chức ở khu vực này bắt đầu lên tiếng chỉ trích thẳng vào Bắc Kinh. Trong một bài viết đăng trên tờ Financial Times hồi giữa tháng 3, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nigeria Lamido Sanusi khẳng định châu Phi phải từ bỏ cái nhìn lãng mạn về Trung Quốc. Ông nhận định thêm rằng châu Phi cần xem Bắc Kinh như là một “đối thủ”. Thống đốc này nhấn mạnh: “Trung Quốc lấy đi của chúng tôi các loại nguyên liệu cơ bản và bán lại cho chúng tôi những thứ hàng hóa được sản xuất hàng loạt. Đây cũng là bản chất của chủ nghĩa thực dân”. Ông Sanusi nhận định sự tăng trưởng đến 20 lần kim ngạch thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc trong thời gian qua một phần là do Bắc Kinh có nhu cầu cao về tài nguyên thiên nhiên. Ngược lại, hàng hóa Trung Quốc lại tràn ngập châu Phi khiến nền sản xuất lục địa đen giảm từ 12,8% đến 10,5% tính theo GDP của khu vực. Đây được xem như chỉ trích nặng nề hiếm thấy của một quan chức châu Phi nhằm vào Trung Quốc. Thậm chí, ông Sanusi còn cáo buộc Bắc Kinh “đang góp phần lớn vào sự kém phát triển của châu Phi”.
|
Ngoài ra, tờ Financial Times cũng dẫn lời Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma hồi đầu tháng 3 nhận định Trung Quốc đang đem lại lợi ích nhất định cho châu Phi nhưng “chúng ta phải rất cẩn thận”. Năm ngoái, ông Zuma cảnh báo rằng mối quan hệ thương mại bất bình đẳng giữa châu Phi với Trung Quốc hiện tại là “không bền vững”.
Nhiều bất ổn
Tất nhiên, chẳng phải vô duyên vô cớ mà các giới chức châu Phi chỉ trích thẳng thắn như thế. Theo tờ The Economist, doanh nhân Trung Quốc hoạt động bừa bãi tại châu Phi, họ chẳng thèm quan tâm đến luật lệ sở tại và phớt lờ cả những vấn đề nhạy cảm của người bản xứ. Ví dụ như Tập đoàn dầu mỏ Trung Quốc Sinopec từng tiến hành thăm dò tại một vườn quốc gia của Gabon mà chẳng đoái hoài gìn giữ môi trường ở đây. Tương tự, một tập đoàn dầu mỏ khác của Trung Quốc đã gây nên những hồ dầu thô rò rỉ ở Sudan. Cách thức hoạt động bừa bãi như thế khiến giới chức phụ trách môi trường Zimbabwe nói rằng các công ty của Trung Quốc “đang hoạt động như những người khai mỏ makorokoza”. Vốn dĩ, cụm từ makorokoza mang tính miệt thị nhằm ám chỉ những người đào vàng bất hợp pháp.
Không chỉ như thế, tình trạng lương thấp, điều kiện an toàn lao động tồi tệ và bị đối xử như nô lệ đã khiến giới thợ mỏ châu Phi xung đột gay gắt với các ông chủ người Trung Quốc. Tại Zambia, vào ngày 4.8.2012, các công nhân Công ty mỏ than Collum của Trung Quốc ở huyện Sinazongwe, cách thủ đô Lusaka khoảng 325 km về phía nam, đã nổi loạn. Trong vụ này, nhà quản lý người Trung Quốc tên Wu Shengai đã bị giết và 1 người đồng hương khác trọng thương, theo BBC. Trước đó, vào tháng 5.2012 ở Nigeria, một giám sát có tên Fer Goa, của Công ty xây dựng và cơ khí dân dụng Trung Quốc (CCECC), vô cớ hành hung một thợ sắt. Trang tin Nigeria Punchng.com dẫn lời Chủ tịch Tổ chức Tự do Dân sự Nigeria Clifford Thomas cho biết 2 công nhân Nigeria khác bị lột trần truồng và bị đánh đập trong vụ việc trên.
Tất cả những sự kiện như thế đã chỉ ra mặt trái mà châu Phi hứng chịu trong quan hệ thương mại với Bắc Kinh.
Trùng Quang
>> Trung Quốc ký nhiều thỏa thuận với châu Phi
>> Nổ mỏ than ở Trung Quốc, 28 người chết
>> Quân đội Trung Quốc sẽ hoạt động mạnh trên biển
>> Thêm vụ bê bối sữa bột tại Trung Quốc
>> Phát hiện người Trung Quốc bán vàng giả
>> Dép nhựa Trung Quốc gây ngứa?
Bình luận (0)