>> 10 trò bịp Cá tháng tư đình đám nhất mọi thời đại (Kỳ 1)
6. Nixon tái tranh cử
|
Vào ngày 1.4.1992, chương trình Nói chuyện với đất nước của Đài phát thanh NPR (Mỹ) tiết lộ rằng Richard Nixon bất ngờ quyết định sẽ ra tranh cử tổng thống Mỹ một lần nữa.
Ông Nixon lúc bấy giờ đang là cựu tổng thống sau khi tuyên bố từ chức vào năm 1974 vì một loạt những bê bối chính trị.
NPR cho biết khẩu hiệu tranh cử của cựu tổng thống Mỹ là “Tôi đã không làm gì sai và tôi sẽ không phạm sai lầm lần nữa”.
NPR thậm chí còn cho phát kèm theo bản tin nói trên các đoạn ghi âm bài diễn văn tranh cử của ông Nixon.
Thính giả nghe đài phản ứng gay gắt với bản tin này và NPR nhận được rất nhiều cuộc gọi bày tỏ sự kinh ngạc và giận dữ với quyết định của ông Nixon.
NPR sau đó thông báo bản tin chỉ là một trò đùa Cá tháng tư và tiết lộ danh hài Rich Little, người có biệt tài giả giọng, đã nhại tiếng của Nixon để tạo ra các đoạn ghi âm bài diễn văn.
7. Bang Alabama (Mỹ) thay đổi giá trị của Pi
|
Trong ấn phẩm tháng 4.1998, tạp chí khoa học New Mexicans for Science and Reason (Mỹ) có đăng một bài viết cho biết cơ quan lập pháp của bang Alabama đã bỏ phiếu thông qua việc điều chỉnh giá trị của hằng số Pi từ 3,14159 thành “giá trị Kinh thánh” là 3.
Bài báo sau đó được đăng tải trên mạng internet và lan truyền ra khắp thế giới.
Kết quả là cơ quan lập pháp bang Alabama nhận được hàng trăm cuộc gọi giận dữ phản đối việc điều chỉnh nói trên.
Được biết, nhà vật lý nổi tiếng người Mỹ Mark Boslough chính là người đã viết bài báo nói trên nhằm chế nhạo việc các nhà làm luật muốn đưa thuyết sáng tạo linh hồn vào chương trình giảng dạy.
8. Bánh mì kẹp thịt dành cho người thuận tay trái
|
Burger King (Mỹ) cho đăng quảng cáo toàn trang trên tờ USA Today, ấn phẩm ngày 1.4.1998, về một sản phẩm mới mang tên “Bánh mì kẹp thịt cỡ lớn dành cho người thuận tay trái”.
Chuỗi cửa hàng bán bánh mì kẹp thịt hàng đầu nước Mỹ này cho biết loại bánh mới được dành riêng cho 32 triệu người Mỹ thuận tay trái.
Quảng cáo của Burger King cho hay loại bánh mới có nhân tương tự như loại bánh mì kẹp thịt thông thường của tập đoàn này, gồm cà chua, rau diếp, thịt... nhưng điểm khác biệt là tất cả các gia vị đều được xoay 180 độ để tạo thuận lợi cho thực khách thuận tay trái.
Một ngày sau khi nội dung quảng cáo nói trên được xuất bản, Burger King thông báo cho hay, mặc dù vụ bánh mì kẹp thịt dành cho người thuận tay trái chỉ là trò bịp, nhưng hàng ngàn thực khách đã đến các cửa hàng Burger King và đặt mua loại bánh mới.
Đồng thời, Burger cũng cho biết “nhiều người thậm chí còn yêu cầu bán cho họ loại dành cho người thuận tay phải”.
9 Sâu đục băng đầu nhiệt Nam Cực
|
Tạp chí khoa học Discover (Mỹ) số dành cho tháng 4.1995 đưa tin cho biết tiến sĩ Aprile Pazzo, một chuyên gia nghiên cứu động vật hoang dã gạo cội, đã phát hiện ra một loài thú mới tại Nam Cực, đó là con sâu đục băng đầu nhiệt.
Discover dẫn lời tiến sĩ Pazzo cho hay các lớp xương trên đầu của loài vật này được nuôi dưỡng bởi nhiều mạch máu và có khả năng trở nên rất nóng, nhằm giúp chúng khoan xuyên qua băng tuyết một cách nhanh chóng.
Chúng dùng khả năng này để săn chim cánh cụt, bằng cách làm tan chảy lớp băng bên dưới chỗ lũ chim đang đứng, khiến các con chim cánh cụt lọt xuống hố nơi có các con sâu đục băng chờ sẵn.
Con sâu sẽ dùng cái đầu có khả năng tỏa nhiệt để ăn thịt chim cánh cụt.
Sau khi nghiên cứu, tiến sĩ Pazzo đặt giả thuyết rằng cái đầu tỏa nhiệt của lũ sâu có thể chính là nguyên nhân gây ra vụ mất tích bí ẩn của nhà thám hiểm Nam Cực Philippe Poisson hồi năm 1837, Discover đưa tin cho hay.
“Ông ta chắc trông giống như một con chim cánh cụt đối với lũ sâu”, Discover trích lời nhà nghiên cứu động vật hoang dã phát biểu.
Sau khi bài viết được xuất bản, Discover đã nhận được thư phản hồi của độc giả với số lượng lớn chưa từng có trong lịch sử hoạt động của tạp chí này.
10. Các hành tinh thẳng hàng làm giảm trọng lực
|
Trong một cuộc phỏng vấn của đài phát thanh BBC Radio 2, diễn ra vào sáng ngày 1.4.1976, Patrick Moore, nhà thiên văn học lỗi lạc được phong tước hiệp sĩ người Anh, thông báo cho biết, đúng 9 giờ 47 phút (giờ địa phương), một sự kiện thiên văn học chỉ xuất hiện một lần trong đời sẽ xảy ra và thính giả nghe đài có thể trải nghiệm sự kiện đặc biệt này ngay tại nhà.
Đó là sao Diêm Vương sẽ ở vị trí ngay phía sau sao Mộc và thẳng hàng với Trái đất.
Điều này sẽ gây ra hiện tượng thẳng hàng về trọng lực, khiến sức hút của Trái đất bị suy giảm.
Nhà thiên văn học uy tín này còn nói với thính giả nghe đài rằng nếu họ nhảy lên đúng ngay thời điểm ba hành tinh thẳng hàng thì họ sẽ trải nghiệm được một cảm giác lơ lửng trên không kỳ lạ.
Đúng 9 giờ 47 phút, Moore kêu lớn “Nhảy đi” và một phút sau có hàng trăm người gọi điện báo rằng họ đã cảm nhận được cảm giác lạ lùng kể trên.
Một người phụ nữ ngụ tại thành phố Utrecht (Hà Lan) gọi điện báo rằng bà và chồng đã cùng nhau lơ lửng trên không.
Một thính giả khác thì cho biết bà đã cùng ngồi xung quanh một cái bàn với 11 người bạn và tất cả bọn họ, kể cả cái bàn, đã bay lên.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy thú vị. Một người đã giận dữ gọi đến BBC để than phiền rằng tốc độ bay lên khỏi mặt đất của ông này quá nhanh, khiến ông bị va đầu vào trần nhà, và ông ta đòi BBC bồi thường.
Trò bịp Cá tháng tư của Moore lấy cảm hứng từ quyển sách bán chạy mang tựa đề The Jupiter Effect (tạm dịch: Hiệu ứng sao Mộc, xuất bản năm 1974), đưa ra tiên đoán rằng việc các hành tinh thẳng hàng sẽ gây ra động đất lớn.
Tại sao có ngày Cá tháng tư? Có rất nhiều giả thiết về nguồn gốc của Ngày Cá tháng tư, nhưng một trong những giả thiết được biết đến nhiều nhất chính là ngày lễ nói dối xuất phát từ việc điều chỉnh lịch ở Pháp vào thế kỷ 16. Vào năm 1564, Pháp điều chỉnh cách tính lịch, thay thế sự bắt đầu của một năm từ cuối tháng 3 sang ngày 1.1. Những người không tiếp nhận thay đổi này và cứ cương quyết tổ chức ăn mừng năm mới trong thời gian giữa ngày 25.3 và ngày 1.4 hằng năm, đã bị chơi khăm bởi nhiều trò. Họ thường sẽ bị những kẻ châm chọc lén lút dán mảnh giấy hình con cá sau lưng. Nạn nhân của trò đùa này vì thế sẽ bị gọi là Cá tháng tư. Kể từ đó ngày Cá tháng tư ra đời |
Hoàng Uy
>> 10 trò bịp Cá tháng tư đình đám nhất mọi thời đại (Kỳ 1)
>> Cá tháng tư kiểu Yahoo!
Bình luận (0)