Kết thúc các môn phụ cách đây... 2 tuần
|
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến thời điểm này, hầu hết các trường THPT công lập lẫn tư thục tại TP.HCM đều đã kết thúc dạy các môn phụ.
Có mặt tại cổng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình vào trưa ngày 29.3 (ngày Bộ công bố 6 môn thi tốt nghiệp), học sinh lớp 12 của trường này cho chúng tôi biết đã kết thúc việc học các môn phụ từ lâu. Một học sinh lớp 12A8 cho hay: “Chúng em đã thi xong các môn công nghệ, tin học… Bây giờ, tụi em chỉ có tập trung học các môn chính”. Tương tự, tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), nhiều học sinh lớp 12 cũng cho rằng các môn: giáo dục công dân, tin học... đều đã thi xong. “Em nghe thầy cô thông báo, đầu tuần này (1.4) chúng em sẽ thi môn phụ cuối cùng là lịch sử”, một học sinh lớp 12A12 thông tin.
Ở hầu hết các trường THPT tư thục, đây là thời gian dành để “luyện” các môn thi tốt nghiệp. Hiệu trưởng một trường THPT tư thục tại Q.Tân Phú cho biết: “Trường tôi đã kết thúc các môn phụ cách đây 2 tuần. Trường tổ chức ôn tập các môn thi tốt nghiệp cho học sinh đến khoảng 11 giờ đêm”.
Lý giải về hiện tượng các trường kết thúc môn phụ từ rất sớm, nguyên hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cho biết: “Tâm lý chung của cả học sinh và giáo viên là những môn không thi tốt nghiệp thì học làm gì. Mục tiêu là để đậu tốt nghiệp do vậy kết thúc môn phụ sớm để chuyên ôn tập các môn tốt nghiệp. Đây là hiện tượng chung, diễn ra từ nhiều năm nay”.
Lo vực học sinh yếu
Nhiều trường THPT của Hà Nội đã họp bàn tìm phương án tốt nhất giúp học sinh ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Hầu như trường nào cũng dành mối quan tâm đặc biệt cho đối tượng học sinh yếu.
So với các trường trong thành phố, điểm tuyển sinh của Trường THPT Phạm Hồng Thái thuộc tốp khá nên kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải là nỗi lo canh cánh của thầy trò nhà trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Hưng, Hiệu trưởng, nhà trường không cho phép ban giám hiệu và các giáo viên được chủ quan, để học sinh học lệch, học tủ, từ đó dẫn đến hậu quả đáng tiếc không đáng có trong kỳ thi tốt nghiệp. “Phương châm của chúng tôi là phòng thủ từ xa. Nếu xem việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp là một cuộc chạy đua giữa thỏ và rùa, chúng tôi chọn giải pháp của “rùa”, nghĩa là cứ túc tắc chạy từ đầu năm học chứ không đợi đến khi Bộ công bố môn thi tốt nghiệp mới “giật mình”. Sau mỗi đợt kiểm tra định kỳ, giáo viên bộ môn có trách nhiệm rà soát lại kết quả làm bài của từng học sinh, thấy em nào có biểu hiện “buông” là có giải pháp đôn đốc, thúc giục”, ông Hưng nói.
Với những trường có điểm đầu vào không cao thì ban giám hiệu càng ý thức phải chuẩn bị tâm thế để học sinh chủ động đón nhận kỳ thi tốt nghiệp ngay từ đầu năm học. “Với phương châm học đến đâu chắc đến đó nên trường thường xuyên tổ chức khảo sát kết quả học tập cho học sinh. Cho đến trước ngày Bộ công bố môn thi tốt nghiệp, học sinh của trường đã được thi thử 4 lần. Từ giờ đến khi thi tốt nghiệp chúng tôi sẽ tổ chức thi thử hai lần nữa”, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, thông tin.
|
Lớp @ và tiết 0
Có lẽ Trường THPT Hai Bà Trưng - Đoàn Kết (Hà Nội) là trường hợp cá biệt, nếu theo lời ông Nguyễn Quốc Thắng, Hiệu trưởng. Ông Thắng cho rằng: “Tinh thần chung thầy trò vẫn phải theo đuổi chương trình các môn học đến hết tháng 4. Nếu giờ mà chỉ dồn cho mấy môn thi thì sẽ loạn lên ngay. Việc tổ chức học thêm buổi chiều là không thể vì thiếu phòng học. Hiện tại trường chỉ thừa 2 phòng, dự kiến sẽ tổ chức lớp @, tức là lớp của những học sinh yếu nhất để phụ đạo. Còn với đa số học sinh, thì giáo viên bộ môn sẽ có giải pháp tập trung tháo gỡ, giúp các em trong giờ học chính khóa”. Từ nhiều năm nay trường này tổ chức lớp học @ khá hiệu quả. Năm nay, trong số gần 570 học sinh khối 12, trường chọn ra khoảng 25 - 30 học sinh yếu nhất của mỗi môn thi tốt nghiệp để phụ đạo buổi chiều.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Q.Ba Đình - Hà Nội cũng có phương thức giúp đỡ học sinh yếu khá hiệu quả. Do trường tổ chức học 9 buổi/tuần (thay vì 6 buổi/tuần như đại đa số trường THPT đang thực hiện) nên buổi sáng học sinh chỉ phải học 4 tiết. Kể từ 1.4, trường tổ chức truy bài vào tiết 5 cho những học sinh còn chưa hiểu bài hoặc cho những em tự nguyện muốn học thêm. Tuy nhiên, bà Đặng Ngọc Trâm, Phó hiệu trưởng, cho biết: “Một mô hình tổ chức ôn thi tốt nghiệp từ nhiều năm nay trường đã triển khai rất hiệu quả là tiết 0”. Bà Trâm giải thích: “Tiết 1 buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ 30 nhưng học sinh khối 12 sẽ học từ lúc 7 giờ. Tiết 0 sáu buổi sáng trong tuần sẽ chia đều cho 6 môn thi tốt nghiệp. Giáo viên chủ yếu giúp học sinh tổ chức kiểm tra, củng cố kiến thức bài cũ”.
Các trường không được bớt xén chương trình Cũng như mọi năm, năm nay Bộ sẽ không ban hành tài liệu hướng dẫn ôn tập cũng như không khuyến khích việc tập trung ôn tập quá mức gây quá tải về mặt kiến thức, ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh. Tài liệu để học sinh ôn tập tốt nhất là sách giáo khoa, vở ghi của học sinh. Nếu thí sinh biết tận dụng tốt những tài liệu này thì đủ để các em tốt nghiệp loại giỏi. Ngay hôm nay hoặc cùng lắm là ngày mai, Bộ sẽ có văn bản gửi tới các sở GD-ĐT hướng dẫn việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh. Bộ sẽ hướng dẫn các sở yêu cầu các trường thực hiện đầy đủ chương trình, kế hoạch dạy học, trên cơ sở đó tổ chức ôn tập cho học sinh tốt. Các trường, kể cả giáo dục THPT, giáo dục thường xuyên đều không được bớt xén chương trình dạy học trong khi vẫn phải tổ chức ôn tập tốt cho các em. NGUYỄN VINH HIỂN (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) HỒ NGỌC (ghi) |
Hồ Ngọc - Minh Luân
Bình luận (0)