|
Bản lĩnh và chuyên nghiệp
Con đường từ chân núi lên tới hồ Thủy Liêm, trung tâm hành hương và du lịch núi Cấm, dài trên 7.000 m, đa phần du khách đều chọn xe đặc dụng của công ty lữ hành, số còn lại thích đi bộ nhàn tản hoặc gọi xe ôm lên xuống núi. Vì thế mà đường lên núi Cấm lúc nào cũng có người qua lại, rộn rịp nhất là từ đầu tháng giêng cho đến mùa lễ hội vía Bà vào tháng 4 âm lịch.
|
Trong lúc đoàn dừng chân dưới tượng phật Di Lặc, tôi có dịp làm quen với chị Phạm Thị Nỉ, một tài xế xe ôm mang số thẻ 725. Chị Nỉ cho biết tất cả những người lái xe ôm trên núi Cấm đều được cấp thẻ hành nghề, nên ai nấy chấp hành tốt luật lệ giao thông và phục vụ khách rất chu đáo. Những phụ nữ trong đoàn đều chọn xe ôm do nữ chạy, còn tôi thì gọi một tài xế nam để cùng tiến về điện Bồ Hong. Ngồi sau xe, tôi vừa ngắm cảnh núi rừng vừa theo dõi các tài xế nữ để xem bản lĩnh của họ. Không ngờ tại một vùng núi non thế này lại có một đội quân xe ôm hùng hậu và nhiệt tình đến thế. Đặc biệt là các chị em, họ lái xe lên, xuống dốc một cách thành thục và chuyên nghiệp.
Con đường lên đỉnh núi Cấm tuy bằng phẳng, các loại xe đặc dụng đời mới lưu thông dễ dàng, nhưng hầu hết những ngõ ngách dẫn đến các điểm du lịch như Cao Đài Tự, điện Bồ Hong, điện Cửu Phẩm, Vồ Đầu, Vồ Bà … đều nhỏ hẹp, độ dốc cao, nhiều chỗ gập ghềnh. Vì thế, chỉ có xe ôm là phương tiện hữu dụng nhất. Ngồi sau xe, tôi hình dung các chị mỗi lần lên dốc đều cố ghì chặt tay lái, chân chống xuống đất để giữ cho thăng bằng và cố rướn người lên phía trước.
Vất vả mưu sinh
Các chị cho biết đa số trước kia làm nghề gánh mướn, buôn bán hoặc làm rẫy. Kể từ khi lộ xe lên núi khai thông, nhiều chị em bị thất nghiệp nên đã chuyển sang chạy xe ôm. Mặc dù bị phản đối, chê là hạng “chân yếu tay mềm” nhưng nhiều người vẫn bản lĩnh theo nghề và ngày càng thu hút thêm nhiều chị em khác. “Lúc đầu chạy lên, xuống dốc, nhất là những đoạn gồ ghề, khúc khuỷu tui rất hồi hộp, nhưng lâu dần rồi cũng quen”, chị Nguyễn Phương Lan, một nữ xe ôm núi Cấm, chia sẻ.
Đối với một số chị em, chạy xe ôm là nghề tương đối ổn định và giúp cải thiện cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, dù vất vả tới đâu, họ vẫn tươi cười và niềm nở đón khách. Ngoài chạy xe ôm và giới thiệu các danh lam thắng cảnh cho khách, các chị còn kiêm luôn nghề chụp ảnh. Chị Mỹ Linh (42 tuổi) có chồng đã qua đời cách nay 13 năm, cho biết nhờ chạy xe ôm kết hợp chụp ảnh mà chị đã nuôi con ăn học đàng hoàng. Do số người hành nghề xe ôm và chụp ảnh hiện nay quá đông, bãi đậu xe rước khách cũng khá nhiều nên mọi người phải chia nhau để kiếm sống, bình quân mỗi người thu nhập 100.000 đồng/ngày. Vào các ngày lễ vía và cuối tuần, số tiền kiếm được sẽ cao hơn. Tuy nhiên, cũng có những lúc ế ẩm vì vắng khách, nhất là vào mùa mưa.
Anh Phạm Hữu Tâm, Phó ban Nhân dân ấp Thiên Tuế cho biết từ ngày có xe ôm trên núi Cấm đến nay chưa xảy ra một tai nạn nào đáng kể. Xe ôm đã trở thành phương tiện được nhiều khách du lịch lựa chọn khi lên núi. Đặc biệt, tài xế nữ chạy lại càng cẩn thận nên được các bà, các chị, nhất là những người lớn tuổi an tâm.
Điều làm cho chúng tôi hết sức ngạc nhiên là đội quân xe ôm (cả nam lẫn nữ) tuy đông nhưng rất trật tự, hoàn toàn không có cảnh giành giựt, chen lấn và săn đuổi khách như ở các nơi khác.
Hoài Phương
Bình luận (0)