Theo phản ánh của phụ huynh học sinh, cơ sở giết mổ này chỉ nằm cách trường có một tường rào. Dù mỗi ngày giết mổ hàng chục con heo, nhưng chỉ có một cái ao để chứa chất thải. Lâu ngày, nước trong ao trở nên đen ngòm, sền sệt. Mỗi khi có ngọn gió lùa qua, mùi hôi thối trong ao bốc lên nồng nặc. Trường hiện có 15 phòng với 25 lớp và có trên 860 học sinh; trong đó, dãy khối lớp 6 và lớp 8 nằm cạnh tường rào với lò giết mổ phải chịu đựng mùi hôi thối mỗi ngày. “Trường mình cơ bản đạt hết 5 chuẩn rồi. Nhưng khi thẩm định lại thì Sở GD-ĐT không công nhận vì môi trường xung quanh còn ô nhiễm” - thầy Phan Thanh Bạch, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lộc Hòa, bức xúc.
|
Trong khi đó, theo phản ánh của người dân địa phương, khoảng một năm nay, khi cơ sở giết mổ tại xã Tân Hội (TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) đi vào hoạt động, người dân xung quanh phải sống trong cảnh ô nhiễm và bị xáo trộn vì ruồi, muỗi bao vây. Bà H.T.B nói: “Mỗi ngày phải xuất ra mấy chục ngàn để mua giấy dán ruồi. Ruồi quá nhiều, chúng tôi không chịu nổi. Bà lão bệnh nằm một chỗ mà cũng phải giăng mùng vì sợ ruồi đeo vào mắt bà. Mỗi khi có đám tiệc mời khách đến, ái ngại hết sức”. Còn ông N.V.S, người dân trong ấp phản ánh: “Ban ngày cũng như đêm khuya, xe chở heo ra vô hết sức ồn ào. Nhưng cao điểm nhất là từ 0 giờ đến 3 giờ sáng, khi cơ sở giết mổ 50 - 70 con heo, tiếng ồn đố ai ngủ được”.
Theo thạc sĩ Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có 39 lò giết mổ tập trung, hầu hết đều do tư nhân xây dựng, không đạt chuẩn về khoảng cách, tiếng ồn và xử lý chất thải. “Qua các đợt kiểm tra, đa phần các cơ sở giết mổ chỉ đạt loại B, có nhiều cơ sở loại C. Theo tôi, nếu không có quy hoạch cụ thể, Nhà nước không tham gia vào việc xây dựng thì các cơ sở giết mổ khó có thể đạt chuẩn và việc gây ô nhiễm môi trường sẽ vẫn còn tiếp diễn dài dài”, ông Tùng nói.
Thanh Đức
Bình luận (0)