Làm giàu ở vùng biên

06/04/2013 03:15 GMT+7

Từ mảnh đất khô cằn, hoang sơ tiếp giáp biên giới Campuchia, nhiều thanh niên ở làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ninh Điền, Tây Ninh đã tìm cách làm giàu...

Từ mảnh đất khô cằn, hoang sơ tiếp giáp biên giới Campuchia, nhiều thanh niên ở làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ninh Điền, Tây Ninh đã tìm cách làm giàu...

Đến làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ninh Điền, nhiều hộ nhắc đến anh Chu Văn Quyết (30 tuổi) như một tấm gương điển hình sản xuất giỏi ở vùng biên, với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Anh Quyết cho biết trước kia hai vợ chồng anh làm công nhân cạo mủ cao su, nhưng do không có đất đai sản xuất nên quanh năm chẳng dư được một đồng nào. Sau khi được xét vào sinh sống ở trong làng, anh bán mảnh đất bố mẹ cho được hơn 100 triệu đồng để mua máy cày. “Nhờ có máy cày mà mỗi vụ mùa, tôi thu nhập từ 40-50 triệu đồng”, anh Quyết chia sẻ.

Anh Nguyễn Sỹ Nam tăng nguồn thu cho gia đình bằng việc nuôi rắn long thừa
Anh Nguyễn Sỹ Nam tăng nguồn thu cho gia đình bằng việc nuôi rắn long thừa 

Anh Quyết cho biết: "Đầu năm 2010, đường sá ở làng khó khăn lắm, trời mưa nước ngập tới gối vì không có hệ thống kênh, rạch. Nhiều hộ trồng hoa màu gặp mưa là mất trắng, còn được mùa thì bị thương lái ép giá khiến một vài hộ bỏ cuộc". Sau đó, nhờ giá nông sản ổn định và mô hình trồng trọt hiệu quả nên đến nay anh Quyết là một trong những thanh niên làm ăn khá thành công và có thu nhập ổn định nhất.

Anh Nguyễn Văn Công bên vườn rau măng tây xanh
Anh Nguyễn Văn Công bên vườn rau măng tây xanh - Ảnh: Giang Phương

Còn anh Nguyễn Sỹ Nam (37 tuổi), bắt đầu cuộc sống chỉ với 1 triệu đồng và 1,5 ha đất sản xuất. Giờ đây gia đình anh đã thu nhập cao bằng việc canh tác 2 vụ mì, lúa. Trong khi đó, vợ anh mở được tiệm tạp hóa khang trang, riêng anh nuôi thêm được 25 con rắn long thừa, 6 con bò…

Từ một mảnh đất vùng biên gần như bỏ hoang, đến nay làng đã có 140 ha lúa 2 vụ (từ tháng 7 đến tháng 11), 140 ha mì (sắn), 10 ha hoa màu, 20 hộ gia đình chăn nuôi trâu bò, 10 hộ nuôi rắn, nhím cùng nhiều hộ khác buôn bán tạp hóa, cày đất, đại lý phân bón, thuốc trừ sâu…

Theo anh Lê Đức Lực, Phó trưởng ban quản lý dự án làng thanh niên Ninh Điền, sau 3 năm triển khai dự án, đến nay làng đã xây dựng hoàn chỉnh nhà ở, công trình vệ sinh, hệ thống điện truyền thanh, nhà văn hóa, y tế, nhà mẫu giáo, hệ thống giao thông, hệ thống nước sinh hoạt cho hộ gia đình… Cuộc sống các hộ gia đình đã ổn định đồng thời đạt được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các hộ gia đình đã cùng nhau ứng dụng những kỹ thuật mới trong sản xuất. Cụ thể, Ban quản lý dự án đã phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Tây Ninh triển khai mô hình trồng thử nghiệm rau măng tây đầu tiên tại hộ anh Nguyễn Văn Công (31 tuổi). Bước đầu, vườn rau măng tây xanh nhà anh Công với hơn 120 gốc (đã được hơn 3 tháng rưỡi) cách 2 ngày thu hoạch được 1 kg, với giá bán 80.000 đồng/kg. Anh Công cho biết: “Đây là loại cây rất dễ trồng và có giá trị kinh tế nếu đầu ra ổn định”. Ngoài ra, Ban quản lý còn phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh tổ chức mô hình nuôi cá lóc; các công ty bảo vệ thực vật đóng trên địa bàn tư vấn cho các hộ gia đình về các cây, con giống mới cho giá trị kinh tế cao...

Giang Phương

>> Làm giàu từ sầu riêng nghịch vụ
>> Làm giàu từ nuôi chim bồ câu
>> Làm giàu từ vườn 3 tầng
>> Nông dân công nghệ cao - Kỳ 4: Làm giàu nhờ rau “tử tế”
>> Làm giàu nhờ chăn nuôi gia công
>> Làm giàu từ nuôi rắn
>> Làm giàu từ 2,5 công đất ruộng
>> Làm giàu từ nuôi ba ba
>> Làm giàu từ mô hình đa canh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.