Số ca tử vong vì H7N9 tại Trung Quốc tăng, thế giới cảnh giác cao độ

05/04/2013 13:30 GMT+7

(TNO) Chính phủ Trung Quốc cho biết đang huy động nguồn lực cả nước để đối phó với loại vi rút cúm gia cầm chết người mới, vốn đã làm 6 người chết. Trong khi đó Nhật Bản đề cao cảnh giác và Mỹ cho biết đang chế vắc xin phòng bệnh.

(TNO) Chính phủ Trung Quốc cho biết đang huy động nguồn lực cả nước để đối phó với loại vi rút cúm gia cầm chết người mới, vốn đã làm 6 người chết. Trong khi đó Nhật Bản đề cao cảnh giác và Mỹ cho biết đang chế vắc xin phòng bệnh, Reuters đưa tin ngày 5.4.

>> Ngăn chặn cúm H7N9 lây lan sang Việt Nam
>> Hai người Trung Quốc chết do nhiễm cúm H7N9
>> Thêm người chết vì cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc
>> Thượng Hải tăng cường giám sát sau vụ tử vong vì cúm gia cầm
>> Số ca nhiễm H7N9 tại Trung Quốc gia tăng

Đã có 14 người bị phát hiện nhiễm cúm gia cầm H7N9, tất cả đều ở khu vực phía đông Trung Quốc, và bốn trong số sáu ca tử vong đều cư ngụ ở Thượng Hải, trung tâm tài chính hàng đầu Trung Quốc, với dân số lên đến 20 triệu người.

Hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy loại vi rút độc hại này lây từ người sang người, nhưng chính quyền đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) đã tăng cường kiểm tra tại sân bay.

Số ca tử vong vì H7N9 tại Trung Quốc lại tăng, Mỹ, Nhật cảnh giác cao độ
Bệnh nhân 67 tuổi nhiễm cúm H7N9 đang nằm điều trị tại một bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) hôm 4.4 - Ảnh: Reuters

Tại Nhật Bản, tất cả các sân bay đều treo bảng hiệu cảnh báo rằng hành khách đến từ Trung Quốc nên đến gặp bộ phận y tế nếu mắc phải những triệu chứng giống như bệnh cúm.

Chính quyền thành phố Thượng Hải cũng cho biết đã phát hiện vi rút H7N9 trong một con chim bồ câu lấy mẫu từ một khu chợ đầu mối địa phương.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) cho biết đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo vắc xin phòng H7N9.

Cơ quan này cho hay sẽ phải mất từ năm đến sáu tháng để có thể tung vắc xin phòng bệnh ra thị trường.

Các trung tâm y tế có hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Atlanta (Mỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc), London (Anh), Melbourne (Úc) và Tokyo (Nhật Bản) hiện đang phân tích các mẫu vi rút H7N9 thu thập được để lọc ra loại tốt nhất dùng cho việc chế vắc xin.

Việc đưa ra quyết định sản xuất hàng loạt vắc xin ngừa H7N9 phải được cân nhắc cực kỳ kỹ lưỡng vì quyết định này sẽ đồng nghĩa với việc phải hy sinh các mũi tiêm phòng bệnh cúm mùa.

Điều này dẫn đến việc vắc xin ngừa bệnh cúm mùa thông thường sẽ tiếp tục thiếu, Reuters nhận định. Bệnh cúm mùa thông thường, dù không nghiêm trọng đối với hầu hết con người, nhưng đã lấy đi hàng ngàn sinh mạng.

Sanofi Pasteur (Pháp), hãng sản xuất vắc xin ngừa cúm lớn nhất thế giới, cho biết đang thường xuyên liên lạc với WHO, nhưng cũng cho rằng hiện vẫn quá sớm để biết được mức độ nguy hiểm của các ca nhiễm H7N9 ở Trung Quốc.

Các xét nghiệm ban đầu cũng cho thấy loại cúm gia cầm mới này phản ứng với thuốc Tamiflu của hãng Roche (Thụy Sĩ) và Relenza của GSK (Ấn Độ), WHO cho hay.

Bóng ma của đại dịch SARS

Trong khi có nhiều ý kiến lo sợ loại cúm gia cầm mới có thể gây ra dịch bệnh giống như bệnh SARS trước đây, chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định sẽ dồn toàn lực để ngăn chặn loại cúm mới này.

“Trung Quốc sẽ tăng cường công tác lãnh đạo trong việc phòng chống loại vi rút mới… và đang kết hợp, cũng như triển khai hệ thống y tế trên toàn quốc để phòng chống loại vi rút mới”, Reuters trích dẫn Bộ Y tế Trung Quốc thông báo trên trang web www.moh.gov.cn.

Các nhân viên y tế Trung Quốc đang thu thập túi đựng xác gà chết tại một chợ nông sản ở Thượng Hải vào ngày 5.4 - Ảnh: AFP
Các nhân viên y tế Trung Quốc đang thu thập túi đựng xác gà chết tại một chợ nông sản ở Thượng Hải vào ngày 5.4 - Ảnh: AFP

Được biết, hồi năm 2003, nhiều báo chí nước ngoài cáo buộc nhà chức trách tại Trung Quốc đã cố bưng bít thông tin về dịch bệnh Hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) tại nước này.

SARS đã làm thiệt mạng khoảng 10% trong tổng số 8.000 người bị nhiễm trên toàn thế giới.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì các kênh liên lạc và truyền thông một cách cởi mở và rõ ràng với WHO, cũng như với các quốc gia và khu vực có liên quan về việc phòng chống loại cúm mới”, Bộ Y tế Trung Quốc cam kết.

Loại cúm gia cầm H5N1 thường xuất hiện theo chu kỳ trong nhiều năm và có thể lây từ gia cầm sang gia cầm, từ gia cầm sang người, chứ không lây từ người sang người.

Cho đến thời điểm hiện tại thì H7N9 cũng không có dấu hiệu là có khả năng lây từ người sang người.

"Chuỗi gien của loại vi rút mới cho thấy đây là một loại vi rút cúm gia cầm và nó thuộc loại độc tính thấp. Tuy nhiên chuỗi gien cũng cho thấy có một số đột biến để thích ứng với động vật máu nóng có vú”, Wendy Barclay, một chuyên gia nghiên cứu về vi rút cúm tại Trường đại học Hoàng gia Anh, cảnh báo.

Hoàng Uy

>> Ca tử vong thứ 11 do nhiễm vi rút mới tương tự SARS
>> Thêm người chết do vi rút giống SARS
>> 50% bệnh nhân nhiễm cúm H5N1 tử vong
>> H5N1 lây từ người sang người qua không khí
>> 2 người tử vong vì nhiễm cúm A/H5N1

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.