|
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.Đà Nẵng, mùa mưa 2012 kết thúc sớm khiến nguồn nước cung cấp cho lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chỉ đạt 45%, dòng chảy suy giảm mạnh, mực nước tại Ái Nghĩa thấp kỷ lục, sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nên phải lấy nước từ trạm bơm phòng mặn (đập dâng An Trạch) từ 26.11.2012 đến nay mới có nước cung cấp cho toàn TP.Đà Nẵng. Các hồ chứa lớn chỉ còn 30 - 50% dung tích, 2.500 ha lúa có nguy cơ mất trắng. Từ tháng 5 đến tháng 8 tới đây, lượng mưa tiếp tục ở mức thấp, dòng chảy hầu hết các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận đều có xu thế giảm dần, hụt hơn trung bình nhiều năm từ 40 - 50%, do đó tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tiếp tục kéo dài khốc liệt đến cuối tháng 8...
Tại Kiên Giang, báo cáo của Chi cục Thủy lợi thuộc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết do nước đầu nguồn đổ về tiếp tục xuống thấp, thời tiết nắng gay gắt, không mưa nên mặn xâm nhập tăng cả về nồng độ, chiều sâu và thời gian duy trì mặn ở vùng cửa sông. Trên tuyến sông Rạch Giá - Long Xuyên, nồng độ mặn đo được đã là 4 gr/l, xâm nhập sâu 15 km. Trên sông Cái Lớn, nước mặn đã xâm nhập vào trên 30 km. Ngay từ cuối tháng 3, nhiều hồ nước ngọt của Công ty cấp thoát nước Kiên Giang đã bị nhiễm mặn. Từ 31.3 đến nay, các hồ nước ngọt chỉ thu được 2-3 giờ/ngày, không đủ theo yêu cầu. Công ty cấp thoát nước Kiên Giang từ ngày 1.4 đã bắt đầu cắt giảm 30% lượng nước cung cấp.
Ở các huyện phía tây nam tỉnh Kiên Giang như An Biên, An Minh, U Minh thượng, Vĩnh Thuận, nhu cầu nước sinh hoạt của người dân càng trở nên bức bách khi các sông ngòi đã bị nhiễm mặn nặng.
|
200.000 đồng/m3 nước sinh hoạt
|
Tại kinh Chệt Ớt (ấp 1B, xã Đông Hưng, H.An Minh), người dân đang rất khó khăn về nước sinh hoạt vì tất cả nguồn nước ở đây đều bị nhiễm phèn, mặn.
Hàng chục hộ dân trong ấp trước đây đã bỏ tiền thuê khoan giếng nước ngầm, nhưng đều không xài được. Để có nước sinh hoạt, phần lớn người dân trong xã phải mua nước với giá 45.000 đồng/m3. Tại kinh Họa Đồ (ấp 11A, xã Đông Hưng B) có 80 hộ dân, các giếng khoan nước cũng bị nhiễm phèn nặng. Các hộ dân ở đây được Ngân hàng Chính sách huyện cho vay vốn mua lu chứa nước, nhưng hạn hán kéo dài nên các lu nước dự trữ của người dân cũng đã cạn từ lâu, đành phải đổi nước của các ghe “phe nước” với giá “cắt cổ”. “Giá chát lắm, nhưng cũng không phải lúc nào cũng có nước để mua. Do nước hiếm, “đắt như tôm tươi” nên các ghe chở nước làm biếng vào các kênh rạch nhỏ, chỉ đổi ngoài sông lớn. Người dân chúng tôi năn nỉ lắm họ mới chiếu cố đưa ghe nước vào…”, ông Huỳnh Văn Bạch (ở ấp 11A) than.
Tương tự, các xã Nam Du, An Sơn, Lại Sơn (huyện đảo Kiên Hải) cũng đang rơi vào tình trạng cạn kiệt nước. Tại xã Nam Du, một số hộ dân đã dùng ghe đánh bắt cá đi đổi nước từ nơi khác về bán lại cho dân đảo với giá 200.000 đồng/m3. Tại xã Lại Sơn, hồ chứa nước 35.000 m3 đã cạn kiệt; một số nơi có nước người dân phải xài theo hình thức khoán với giá 200.000 đồng/tháng, nhưng chỉ với khối lượng hạn chế.
Nhiều nơi thuộc các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và TX.Hà Tiên…, người dân cũng phải mua nước ngọt với “giá trên trời”. “Một số nguồn cung cấp nước chính ở các địa phương trong tỉnh Kiên Giang đang bị khô kiệt, nhiễm mặn, nhiễm phèn… mà dự báo khô hạn còn kéo dài nhiều tháng thì không biết chúng tôi lấy đâu ra nước để ăn uống, sản xuất”, một người dân Kiên Lương lo lắng.
|
“Nhìn mì chết trắng đau lắm”
Ngày 6.4, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết thời tiết trong những ngày qua diễn biết bất thường, nắng hạn gay gắt gây thiệt hại nặng đến diện tích tôm nuôi của bà con. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 5.000 ha tôm nuôi quảng canh bị thiệt hại do nắng hạn, thiếu nguồn nước mặn để bơm vào vuông tôm. Các huyện có diện tích tôm nuôi bị ảnh hưởng lớn là Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai. Kỹ sư Nguyễn Thanh Phong, Phó phòng NN-PTNT H.Phước Long, cho biết hiện mỗi ngày trên địa bàn có hàng chục héc ta tôm nuôi bị thiệt hại và chỉ trong thời gian gần một tháng qua, toàn huyện có đến 1.500 ha tôm thiệt hại. “Mực nước trong vuông tôm của bà con chỉ còn khoảng 40 cm, trong khi thông thường mực nước trong ao tôm tối thiểu cũng phải từ 60 cm trở lên. Mực nước xuống thấp cộng với nắng nóng gay gắt khiến tôm nuôi không thể cầm cự được”, ông Phong nói.
|
Cũng theo lời kỹ sư Phong, mặc dù nước trong các vuông tôm cạn kiệt dần nhưng Ban Điều tiết nước tỉnh Bạc Liêu vẫn không dám mở các cống để dẫn nước mặn từ biển vào cứu tôm, bởi lo ngại nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào các vùng chuyên lúa của tỉnh và có thể xâm nhập lên tỉnh Sóc Trăng, khi đó thiệt hại về lúa sẽ nặng nề thêm.
Ở Bình Phước, ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết hạn hán kéo dài từ cuối tháng 12.2012 đến nay đã khiến 10.644 ha cây trồng (7.224 ha lúa, rau màu và cây lâu năm; 2.920 ha cây công nghiệp) bị thiệt hại, ước tính ban đầu mất khoảng 75 tỉ đồng. Đây được coi là thiệt hại kỷ lục do hạn hán gây ra tại địa phương này và đang tiếp tục lan ra trên diện rộng. Không chỉ thiếu nước sản xuất, người dân cũng đang đối mặt tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 10.585 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, chiếm 9,3% số hộ dân toàn tỉnh. Một số khu vực người dân phải mua nước vận chuyển bằng xe bồn với giá từ 25.000 - 60.000 đồng/m3. "Trước tình hình này, nông dân chúng tôi như đang ngồi trên lửa, dù đã tận dụng nguồn nước suối, đào ao hay giếng sâu thêm vẫn không có đủ nước để uống, huống hồ gì cây cối", ông Nguyễn Văn Duyên, nông dân ngụ tại xã Bù Gia Mập (H.Bù Gia Mập, Bình Phước), nói.
Nắng nóng kéo dài hơn 5 tháng nay cũng khiến người dân Tây Ninh tại khu vực thuộc các xã biên giới giáp ranh Campuchia như Tân Hòa, Suối Ngô (thuộc H.Tân Châu); Ninh Điền, Thành Long (H.Châu Thành)… thiếu nước sinh hoạt, thiệt hại trong sản xuất. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại xã Suối Ngô, nhiều ruộng mì đang dần héo khô do thiếu nước. Nông dân Nguyễn Văn Chính, xã Suối Ngô, xót xa: “Nhìn mì chết trắng đau lắm mà không còn cách nào cứu”. Ông Nguyễn Quang Lê, Chủ tịch HĐND xã Suối Ngô, cho biết toàn xã Suối Ngô có khoảng 400 ha, hơn 80 ha mía… đang thiếu nước nghiêm trọng. “Mùa khô năm nay kéo dài hơn năm ngoái và không xuất hiện cơn mưa trái mùa từ nhiều tháng qua dẫn đến thiệt hại lớn về sản xuất và gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt của người dân”, ông Lê nói.
Thủy điện sẽ xả nước giải hạn
Các cơ quan hữu quan và địa phương đã “chốt” lịch, sau khi Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, BQL các hồ thủy điện khảo sát tình hình thủy văn, nhu cầu từng lưu vực và thống nhất công tác điều tiết nước với các địa phương khu vực miền Trung - Tây nguyên. Ở Đà Nẵng - Quảng Nam, thủy điện A Vương và Đăk Mil 4 thống nhất xả liên tục 15 ngày bắt đầu từ 15.5. Lưu lượng nước xả không đề cập chi tiết, nhưng được các bên xác nhận sẽ giải quyết một số khúc mắc mà 2 địa phương vừa bức xúc, nhất là nguy cơ 1,7 triệu dân đang thiếu nước (Thanh Niên đã phản ánh). Ngoài ra, khu vực Bình Thuận sẽ xả hồ Hàm Thuận - Đa Mi, Đại Ninh từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5; khu vực Đắk Nông, Đắk Lắk xả hồ Buôn Tua Srah trong tháng 4; lưu vực Ninh Thuận xả hồ Đơn Dương từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6; Phú Yên, Gia Lai xả hồ Sông Hinh, sông Ba Hạ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6... H.X.H |
Thanh Niên
Bình luận (0)