Hôm qua, AFP dẫn lời giới chức Hàn Quốc và một số chuyên gia dự đoán miền Bắc có thể phóng tên lửa trong khoảng thời gian từ 10-15.4 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Kim Nhật Thành (15.4). Trước đó, theo nguồn tin tình báo Hàn Quốc và Mỹ, Triều Tiên đã đưa 2 tên lửa, được cho là Musudan, lên bệ phóng ở các cơ sở ngầm gần bờ biển phía đông nước này.
Tên lửa Musudan có tầm bắn khoảng 3.000-4.000 km, đủ sức vươn tới Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam của Mỹ. Cũng có có ý kiến cho rằng đợt phóng lần này là nhằm thử tên lửa và tạo thêm thanh thế chứ không phải phát động tấn công. Cũng vào ngày 7.4, Kyodo News loan tin Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera sẽ sớm ra lệnh lực lượng phòng vệ chuẩn bị đánh chặn tên lửa Triều Tiên nếu nó được phóng về phía nước này.
|
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel quyết định dời kế hoạch phóng tên lửa liên lục địa Minuteman 3 tại căn cứ không quân Vandenberg ở bang California sang tháng tới. AFP ngày 7.4 dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc cho rằng việc thử tên lửa có thể khiến một số bên nghĩ rằng Mỹ cố ý làm tăng căng thẳng. “Chúng tôi muốn tránh mọi hiểu lầm và bóp méo”, ông này nói.
Ngoài ra, một số nước lên tiếng yêu cầu Triều Tiên bảo đảm an toàn cho đại diện ngoại giao của họ tại Bình Nhưỡng nhưng chưa có kế hoạch sơ tán. Trước đó, Bộ Ngoại giao Anh cho hay Triều Tiên cảnh báo sẽ không thể bảo đảm an toàn cho đại diện ngoại giao nước ngoài sau ngày 10.4 trong trường hợp có biến cố.
Đến hôm qua, BBC dẫn lời Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố London chưa cần rút nhân viên ngoại giao về nước vì không có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên chuẩn bị chiến tranh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng khẳng định Đại sứ quán nước này ở Bình Nhưỡng vẫn hoạt động bình thường, theo Tân Hoa xã. Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh nước này phản đối bất kỳ ngôn từ và hành động mang tính khiêu khích từ bất cứ bên nào, đồng thời “không cho phép gây rắc rối tại cửa ngõ của Trung Quốc”.
Trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Thụy Sĩ vừa ngỏ lời làm trung gian hòa giải. Reuters dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho hay bộ này gần đây liên lạc với giới chức Triều Tiên nhưng chưa có kế hoạch cho bất kỳ đàm phán nào. Trong cuộc phỏng vấn với báo SonntagsZeitung, cựu Ngoại trưởng Thụy Sĩ Micheline Calmy-Rey khẳng định: “Điều Triều Tiên vẫn muốn là sự đảm bảo an ninh từ Mỹ”. Ngoài ra, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là từng du học trong vài năm ở Thụy Sĩ.
Văn Khoa
>> Triều Tiên thử tên lửa vào ngày 10.4?
>> Nhật Bản ra lệnh bắn hạ tên lửa Triều Tiên
>> Trung Quốc “ngầm” cảnh cáo đồng minh Triều Tiên
>> Giới ngoại giao phớt lờ khuyến cáo sơ tán của Triều Tiên
>> Đức triệu tập đại sứ Triều Tiên
>> Mỹ triển khai máy bay do thám Triều Tiên
Bình luận (0)