Sau bài Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt (Thanh Niên ngày 9.4), chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự đồng tình cùng ý kiến của giới làm phim. Vấn đề cần thiết phải đặt ra là: nên sớm có sự phân loại phim theo đối tượng người xem.
Để dễ phát hành
Ai cũng hiểu Hội đồng duyệt phim (HĐDP) quốc gia nếu có thẩm định, cắt xén hay cấm chiếu một bộ phim nào đó cũng đều dựa theo cái “khung” của Quy chế duyệt phim và những hành vi bị cấm căn cứ theo luật Điện ảnh. Vấn đề là cái khung ấy còn quá mơ hồ, chung chung và hiện đã quá “lỗi thời” so với sự phát triển của điện ảnh cũng như trình độ thưởng thức của khán giả. HĐDP có lý lẽ riêng để cắt xén theo quan điểm của họ và tất nhiên mức độ công tâm, uy tín nghề nghiệp của họ sẽ được giới làm nghề, kể cả công chúng nhận xét, phản biện, nếu họ làm đúng hoặc sai.
|
Rất nhiều phim đã từng rơi vào trường hợp đó như Bi, đừng sợ! bị cắt nhiều cảnh nóng cần thiết cho phim, Vũ điệu tử thần bị buộc phải cắt bỏ nhiều đoạn phim quay cảnh nhảy nhót ở vũ trường trong khi nhân vật chính của phim là một cô vũ nữ sexy tâm lý bất ổn, hay như Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt - một phim về đề tài đồng tính, bị cắt những cảnh thể hiện tình cảm sâu sắc của hai nam nhân vật chính...
Thế nên, nhiều đạo diễn cho biết họ luôn mong mỏi có được quy định mới trong việc phân loại phim để dễ làm, và HĐDP cũng dễ thông qua khi đã dán nhãn cho bộ phim đó, phân loại đối tượng được xem, thay vì phải cắt đoạn này đoạn kia hoặc cấm chiếu hẳn.
|
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng đã đến lúc hướng “sức mạnh” của HĐDP vào việc duy nhất cần làm là phân loại phim, như cách thức đã được chứng nhận toàn cầu của CRA (Classification and Rating Administration - Ủy ban Phân loại và đánh giá). Ở VN hiện chỉ có phân loại là cấm khán giả dưới 16 tuổi nhưng cũng không phải là quá phổ biến. HĐDP nên có sự phân loại rõ ràng hơn về độ tuổi và có thể tham khảo cách phân loại của các nước khác. Việc có sự phân loại rõ ràng về các độ tuổi được xem là điều cần thiết để khán giả Việt Nam có lựa chọn đúng đắn hơn khi đi xem phim, giúp cho người yêu điện ảnh được thưởng thức một tác phẩm trọn vẹn. Một đạo diễn (xin không nêu tên) nói thẳng: “Chừng nào những quy định về duyệt phim rõ ràng, cụ thể hơn thì lúc ấy nhiều đạo diễn sẽ yên tâm làm phim hơn”.
Cấm và cắt chỉ dắt điện ảnh Việt đi vào ngõ cụt
Các nền điện ảnh tiên tiến luôn khuyến khích sự sáng tạo. Những hình ảnh trong phim có thể gần gũi đời thường nhưng cũng có thể bay bổng vượt xa sức tưởng tượng của con người. Sự lý thú và hấp dẫn của điện ảnh là ở chỗ đó. Vậy nên, không thể đòi hỏi phim Việt không được khác với “hiện thực xã hội”. Nếu cứ tư duy và quan điểm như vậy thì phim Việt không thể có nhiều thể loại như: hành động, giả tưởng, kinh dị... được làm cho “tới” và đề tài thì sẽ không bao giờ phong phú được. Thực tế thì nhiều nhà sản xuất đã ăn trái đắng khi chọn thể loại mới là phim kinh dị như Ngôi nhà trong hẻm, Mười, Giữa hai thế giới, Bẫy cấp 3...
Đạo diễn Nguyễn Chánh Tín từng chia sẻ khi phim Ngôi nhà bí ẩn, Suối oan hồn... của ông cũng trầy trật ở khâu kiểm duyệt. "Bộ phận kiểm duyệt nắm đằng cán. Nếu kiểm duyệt quá gắt gao thì chúng tôi đành bỏ ý định làm phim kinh dị, vì chắc chắn tác phẩm sẽ không hấp dẫn được khán giả nếu bị cắt bỏ quá nhiều", vị đạo diễn này nói. Nhà sản xuất Việt kiều Trần Trọng Dần - từng làm nhiều phim ở nước ngoài, và bắt đầu tại VN với 2 phim thì Ngôi nhà trong hẻm bị cắt vài chỗ, còn Bẫy cấp 3 thì bị cấm chiếu, băn khoăn rằng: “Dù tìm hiểu kỹ nhưng chúng tôi cũng chưa biết cái ranh giới giữa việc làm thế nào thì được phát hành còn làm thế nào thì sẽ bị cấm, ví dụ như phim Ngôi nhà trong hẻm tưởng là rùng rợn lắm rồi nhưng khán giả vẫn chê là làm chưa tới, vì thế tới Bẫy cấp 3 chúng tôi đã dựng nó kinh dị hơn thì lại không được phát hành”.
Chính việc kiểm duyệt “khắt khe một cách khó hiểu” dẫn đến việc nhiều nhà làm phim dù vô thức hay chủ động, đã hình thành trong tâm thức mình một cơ chế tự kiểm duyệt với tác phẩm của họ. Và như thế thì còn đâu là sáng tạo?
Nhiều đạo diễn đã bày tỏ ý kiến với người viết: “Thôi thì sắp tới các đạo diễn cứ làm phim hài câu khách, nhảm nhảm chút cho an toàn, cũng vẫn được duyệt, vẫn ra rạp ăn khách như thường. Tại sao phải khổ thế khi mạo hiểm chọn thể loại phim hành động, hay kinh dị, vừa quay cực lại còn bị duyệt gắt gao”.
Ý kiến “Hiện đạo diễn nào cũng tự kiểm duyệt phim của mình trước rồi, nhưng khi đưa phim đi trình duyệt lại bị cắt, sửa nữa. Phim ảnh là phải có cá biệt, có dấu ấn cá nhân của câu chuyện, của đạo diễn; chứ cứ cắt, xén mãi, phim nào ra mắt cũng tròn trịa, mất đi sự gai góc thì điện ảnh Việt không thể nào có những bộ phim nổi trội được. Tôi mong cơ chế kiểm duyệt nên thông thoáng hơn, quy định cụ thể, rõ ràng, ví dụ như cấm bạo lực thì nói rõ bạo lực là như thế nào, cảnh đấm đá, chém giết tới đâu là vừa, rồi phản cảm là như thế nào, cảnh sex không được kéo dài quá bao nhiêu phút, rồi không được lộ bộ phận nào trên cơ thể...”.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng “Một bộ phim trong nước bị cấm có thể dẫn đến việc công ty phá sản. Điều đó, đòi hỏi Hội đồng thẩm định phải làm việc công tâm”.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Công ty BHD, Hãng phim Việt “Quyết định cấm không cho chiếu một bộ phim (nội dung phim không có gì quá ghê gớm) rất tai hại cho những người đầu tư và tội nghiệp cho những người làm phim. Thậm chí còn làm ảnh hưởng tới một số dự án khác mà người nước ngoài muốn đầu tư làm phim ở VN. Tôi nghĩ cái này mới là quan trọng và nó cũng là một sự thiệt thòi cho khán giả. Điện ảnh VN sẽ không ngừng lớn mạnh chứ không thể dừng lại vì những quyết định như thế này”.
Nhà sản xuất Việt kiều Trần Trọng Dần |
Các nước phân loại phim thế nào ? Hệ thống phân loại phim giữ vai trò quan trọng trong việc sắp xếp phim phù hợp từng đối tượng khán giả dựa trên các yếu tố: tình dục, bạo lực, ngôn từ, hành động tục tĩu, sử dụng chất gây nghiện và một số nội dung khác. Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (Motion Picture Association of America - gọi tắt là MPAA) đưa ra hệ thống phân loại phim trên toàn nước Mỹ theo các cấp độ khác nhau. G: có thể chiếu rộng rãi; PG: cha mẹ nên hướng dẫn cho con khi xem vì có vài cảnh khỏa thân nhẹ hay sử dụng chất kích thích; PG-13: cha mẹ nên đặc biệt chú ý vì có hình ảnh không phù hợp với trẻ em dưới 13 tuổi; R: phim có giới hạn không dành cho người dưới 17 tuổi mà không có cha mẹ đi cùng; NC-17: cấm trẻ em dưới 17 tuổi vì có nhiều cảnh bạo lực, dâm ô, ngôn từ tục tĩu. Tại Úc, phân loại phim theo các tiêu chí: E: miễn phân loại; G: dành cho tất cả mọi người; PG: trẻ em xem phải có cha mẹ đi cùng; MA15+: không phù hợp với khán giả dưới 15 tuổi, phải có cha mẹ đi cùng; R18+: dành cho người trên 18 tuổi; X18+: phim có nội dung khiêu dâm, bạo lực; RC: bị cấm chiếu. Nhìn sang phương Đông, Singapore phân loại phim thành bốn cấp: G, PG (như ở Mỹ), NC16 là phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi và R (A) là phim chỉ dành cho người đủ 21 tuổi mới được xem. Phim ra rạp hay phát sóng truyền hình tại Hàn Quốc do Hội đồng đánh giá truyền thông (Media Ratings Board- MRB) thẩm định, dựa trên các tiêu chí bao gồm: phổ thông, 12+, 15+ và 18+, tức hạn chế độ tuổi được xem phim dựa trên các yếu tố tình dục, bạo lực và kinh dị... Đỗ Tuấn |
Phan Cao Tùng
>> Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt
>> Bụi đời Chợ Lớn" hoãn ngày chiếu
>> Cặp đôi hành động" tái xuất với "Bụi đời Chợ Lớn
Bình luận (0)