Tuy được gọi là biển nhưng chính xác Caspi là hồ nước mặn vì không thông với đại dương. Đây là hồ lớn nhất thế giới về diện tích (371.000 km²) lẫn thể tích (78.200 km3) và rất giàu tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ và thủy sản với giá trị ước tính lên tới 3.000 tỉ USD, theo trang tin Rferl.org.
Sau khi Liên Xô tan rã, tranh chấp về phân chia biển Caspi đang ngày càng dâng cao giữa 5 nước bao quanh là Nga, Iran, Turkmenistan, Kazakhstan và Azerbaijan. Báo Panorama dẫn lời chuyên gia về Iran Armen Israyelyan cho hay trong những năm gần đây Nga đã đạt thỏa thuận Caspi với Kazakhstan và Azerbaijan, nhưng giữa Iran, Turkmenistan với Azerbaijan vẫn căng thẳng. Ngoài ra, Iran tuyên bố kiểm soát 20% biển Caspi vì họ quan niệm rằng khu vực này nên được chia đều cho 5 quốc gia. Trong khi đó, 4 nước còn lại nhất trí rằng Iran chỉ có quyền đối với 13% biển Caspi. Hồi tháng 6.2012, Turkmenistan và Azerbaijan từng cáo buộc nhau có hành động khiêu khích và tuyên bố sẽ “bảo vệ chủ quyền bằng bất cứ giá nào”, theo AFP.
|
Nga, Iran chạy đua
Làn sóng quân sự hóa ở biển Caspi nhen nhúm cách đây vài năm và có dấu hiệu rõ rệt trong thời gian gần đây. Tháng 1.2013, Bộ Quốc phòng Nga đặt đóng 3 tàu hộ tống lớp Buyan cho Hạm đội Caspi. Chiếc đầu tiên sẽ được hạ thủy trong năm nay và 2 chiếc còn lại sẽ hoàn tất vào năm 2014. Trang tin Eurasianet dẫn lời chuẩn đô đốc về hưu Vladimir Zakharov nhấn mạnh tàu chiến mới sẽ tăng cường đáng kể ảnh hưởng của hạm đội Nga ở Caspi. “Chúng tôi không thể phớt lờ Iran và 3 tàu này là con số tối thiểu mà chúng tôi cần ở khu vực. Đúng ra, Hạm đội Caspi cần tối đa 7 tàu như thế”, ông Zakharov nói. Trước đó, Nga cũng đã cho chạy thử tàu khu trục tàng hình lớp Gepard thứ 2 dành cho Hạm đội Caspi. Đây là tàu chiến Nga đầu tiên được trang bị hệ thống tên lửa Kalibr-NK có khả năng dùng nhiều loại tên lửa tấn công chính xác các mục tiêu mặt biển, dưới nước và trên bờ biển ở khoảng cách 300 km, theo RIA-Novosti. Dự kiến, Hạm đội Caspi, đang có khoảng 148 tàu, sẽ nhận thêm ít nhất 16 tàu chiến mới trước năm 2020.
Đứng sau Nga ở Caspi là Iran với khoảng 90 tàu. Tehran đang có ý định trang bị thêm 75 tàu chiến cho Hạm đội Caspi và vừa hạ thủy tàu khu trục Jamaran-2 vốn sẽ hoạt động tại khu vực. Tàu này có bãi đáp trực thăng, được trang bị nhiều loại tên lửa, ngư lôi và hệ thống điều khiển điện tử. Nhân dịp hạ thủy, Đài Press TV dẫn lời Tư lệnh hải quân Iran Habibollah Sayyar nhấn mạnh quyết bảo vệ lợi ích ở Caspi.
|
Các nước khác vào cuộc
Eurasianet dẫn một số nguồn tin cho hay Turkmenistan đã nhận 2 tàu hộ tống lớp Molniya, được trang bị hệ thống tên lửa hiện đại do Nga sản xuất và sẽ mua thêm 3 tàu trong tương lai. Ngoài ra, nước này được cho là đã mua 2 tàu tuần tra cao tốc của Thổ Nhĩ Kỳ và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như căn cứ hải quân mới ở Caspi. Cuối năm ngoái, hải quân nước này lần đầu tiến hành tập trận trong khu vực với các bài diễn tập đối phó các cuộc tấn công nhắm vào tàu và cơ sở lọc dầu, theo AFP.
Trước đó, Azerbaijan cũng diễn tập ở biển Caspi với sự tham gia của 1.200 binh sĩ, 41 tàu và 8 trực thăng, đồng thời quyết định chi 1,5 tỉ USD để mua vũ khí Israel. Trước tình hình này, Kazakhstan cũng không thể ngồi yên. Theo Đài DW, trong năm nay, nước này sẽ trang bị 3 tàu chiến cho hạm đội ở Caspi và mở một trạm huấn luyện biển vào năm 2016.
Trong bối cảnh Caspi ngày càng bị quân sự hóa, Eurasianet dẫn lời các chuyên gia thuộc Tổ chức Jamestown (Mỹ) nhận định rằng nguy cơ xung đột ngày càng cao. Nghiêm trọng hơn, do tính chất nhạy cảm ở Trung Đông và Trung Á hiện nay, chỉ cần một cuộc đụng độ nhỏ cũng dễ dàng biến thành chiến tranh tổng lực và thậm chí lan rộng ra khu vực rộng lớn hơn.
Văn Khoa
>> Bãi biển đông nghịt người vì nắng nóng
>> Đề nghị không sử dụng vũ lực với ngư dân trên biển Đông
>> Nhất trí về bộ quy tắc trên biển Đông
>> Mỹ hết sức lo ngại về căng thẳng biển Đông
>> Hội thảo về biển Đông tại Pháp
>> Thả bồ câu hòa bình tại công viên biển Đông
Bình luận (0)