Tiến sĩ Andy Shih, chuyên gia cao cấp của tổ chức hàng đầu trên thế giới về bệnh tự kỷ Autism Speaks (tự kỷ lên tiếng), chia sẻ với phụ huynh cách giúp trẻ tự kỷ phát triển theo hướng tốt nhất.
Ông Andy Shih cho biết: “Ở Mỹ hiện nay, cứ 88 trẻ em thì có 1 trẻ mắc bệnh tự kỷ. 1/88 là con số đáng sợ và có vấn đề, đáng quan tâm trên thế giới. Con số này tăng lên 1.000 lần so với 10 năm qua và ngày càng tăng. Cho đến nay, chưa có một thống kê chính thức nào về tỷ lệ người mắc bệnh tự kỷ nhưng nhìn chung chiếm khoảng 1 - 2% tổng dân số của các nước, thậm chí có một số quốc gia chiếm tỷ lệ 2,5%. Đây là sự khủng hoảng về sức khỏe con người”.
|
Vì sao có sự gia tăng như vậy, thưa ông?
Càng hiểu biết căn bệnh này thì càng ít sợ hãi và lo lắng về nó. Vì vậy, những bậc cha mẹ cần cố gắng tìm hiểu sâu hơn về bệnh tự kỷ để có sự can thiệp kịp thời, luôn yêu thương và giúp trẻ phát triển theo hướng tốt nhất có thể | ||
Tiến sĩ Andy Shih | ||
Chúng tôi không biết chính xác tại sao. Có thể do cộng đồng hiểu rõ hơn về căn bệnh tự kỷ. Trong quá khứ, nhiều người chẩn đoán nhầm nó với những căn bệnh khác. Nhưng đó chỉ là 50% nguyên nhân có thể biết được, 50% còn lại vẫn là ẩn số.
Theo ông, có mối liên hệ nào giữa cha mẹ bận rộn, nhịp sống hiện đại gấp gáp với sự gia tăng số trẻ mắc hội chứng tự kỷ?
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy có mối liên hệ giữa 2 vấn đề trên. Chúng ta thấy có những trường hợp bố mẹ bận rộn nhưng không có con bị tự kỷ. Ngược lại, có những bố mẹ không bận rộn nhưng vẫn có con tự kỷ…
Theo ông bệnh tự kỷ có liên quan đến di truyền không? Những dấu hiệu nào để nhận biết đứa trẻ bị tự kỷ?
Tự kỷ là hội chứng rối loạn phát triển não bộ. Bệnh này cũng có liên quan đến di truyền và yếu tố môi trường. Theo tôi, cơ hội để can thiệp tốt nhất đối với tự kỷ là khi trẻ ở lứa tuổi 2 - 3. Can thiệp càng sớm, hiệu quả càng cao. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, sự can thiệp không phải chỉ dừng ở giai đoạn tuổi nhỏ mà xuyên suốt cả cuộc đời.
Có thể kể một số dấu hiệu dễ nhận biết của trẻ tự kỷ, đó là: Thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội; kiểm soát hành vi rất vụng về, nhất là những vật cầm nắm; thói quen lặp đi lặp lại một cách chính xác những hành vi hằng ngày…
|
Ông có cho rằng những phương tiện, công nghệ hiện đại có tác động đến trẻ tự kỷ?
Chắc chắn mạng xã hội và những công nghệ hiện đại rất hữu ích trong việc góp phần chữa trị trẻ tự kỷ. Một nghiên cứu cho thấy, trẻ tự kỷ thích thú và học tốt hơn thông qua việc giao tiếp với iPad, điện thoại thông minh hay máy vi tính…
Ông có nhận xét hoặc nhắn gửi điều gì sau khi tiếp xúc với những phụ huynh có con em bị tự kỷ ở Việt Nam?
Ở một số nước như Mỹ và Canada chẳng hạn, họ thành lập mạng lưới ủng hộ người bệnh tự kỷ để tạo nhiều cơ hội giúp phụ huynh tham gia điều trị cho con em mình. Trong khi đó, qua việc tiếp xúc với nhiều phụ huynh ở Việt Nam, tôi nhận thấy họ đau buồn khi có con em bị tự kỷ. Vì sao ư? Câu trả lời nằm ở sự hiểu biết. Nếu bạn càng hiểu biết căn bệnh này thì càng ít sợ hãi và lo lắng về nó. Vì vậy, những bậc cha mẹ cần cố gắng tìm hiểu sâu hơn về bệnh tự kỷ để có sự can thiệp kịp thời, luôn yêu thương và giúp trẻ phát triển theo hướng tốt nhất có thể.
Bên cạnh đó, những phụ huynh có con em tự kỷ rất cần sự động viên, hỗ trợ nhiệt tình từ cộng đồng. Nếu không, họ sẽ thấy đơn độc, mặc cảm, tự trách mình là bố mẹ dở, tệ nên đứa con mới bị bệnh như vậy.
Sau chuyến đi này, chúng tôi chuẩn bị thực hiện chương trình thử nghiệm huấn luyện cho những phụ huynh, y bác sĩ, chuyên viên giáo dục… nhằm gia tăng sự hiểu biết và đề ra chiến lược can thiệp bệnh tự kỷ ở Việt Nam.
Như Lịch
(thực hiện)
>> Thăm trường trẻ tự kỷ
>> Nguyên Phó chủ tịch nước thăm trường dạy trẻ tự kỷ
>> Khả năng hồi phục của trẻ tự kỷ
>> Giúp trẻ tự kỷ giao tiếp
>> Hướng về trẻ tự kỷ
>> Trẻ tự kỷ được phát hiện từ 6 tháng tuổi
Bình luận (0)