Với ông, đó là cách để giải tỏa bớt sự vất vả cho con người, tạo ra hiệu quả cao hơn.
Niềm say mê cơ khí
Sản phẩm đầu tiên của nông dân Nguyễn Đình Tường là máy lột bắp, ép dầu phộng, chà vỏ đậu… “Tôi bắt đầu chế tạo các loại máy này từ năm 30 tuổi. Lúc đầu, tôi đến các tiệm ve chai, cửa hàng bán đồ cũ mua những cái máy hàn, máy cắt hư về tự sửa lại. Sau đó thì mày mò chế tạo ra nhiều loại máy khác nữa”, ông Tường kể. Trong những năm 1993 đến 1996, ông Tường đã sản xuất ra khoảng 2.000 máy vo tiêu.
|
Năm 2003, ông Tường cho người con trai của mình là Nguyễn Thành Tâm đi xuất khẩu lao động ở Nhật. Với tay nghề cơ khí học từ cha, Tâm được nhận vào làm trong một xưởng chế tạo máy móc. Tại đây, Tâm được làm quen với máy sản xuất củi từ mùn cưa. Sau 2 năm làm việc ở Nhật, Tâm về nước rồi cùng với cha tiếp tục làm nghề cơ khí. “Khi nghe con trai nói về loại máy này (máy sản xuất củi từ mùn cưa - NV) thì trong đầu tôi nảy sinh ngay ý tưởng chế tạo. Tôi nghĩ vùng quê mình có nhiều vỏ trấu, mùn cưa mà người dân chỉ biết đổ bỏ hay đốt thì uổng phí quá. Sau đó, tôi với con tôi ngày đêm nghiên cứu chế tạo nó”, ông Tường nói.
Năm 2008, ông Tường chế tạo ra được 3 máy sản xuất trấu thành củi đốt. Để thử nghiệm máy, cha con ông Tường phải đưa ra các nhà máy xay xát lúa, vì chỉ nơi này mới có điện 3 pha. Ông Tường cho biết: “Máy móc nặng hơn nửa tấn mà di chuyển đi xa là rất khó khăn. Khi máy vận hành, khói đen ngùn ngụt không ai chịu nổi. Lúc đó, tôi nản lắm, định từ bỏ nhưng rồi với sự động viên của gia đình, bạn bè nên tiếp tục mày mò hoàn chỉnh máy”. Khi máy đã chạy tốt, ông Tường đưa xuống Trà Vinh bán cho một nhà máy xay xát lúa có tiếng ở tỉnh này với giá 33 triệu đồng/cái. “Họ mua 3 cái nhưng chỉ trả tiền phân nửa. Chạy được vài tháng thì máy hư hỏng nên họ trả lại cho tôi. Không nản lòng, tôi cùng con trai tiếp tục nghiên cứu lại máy. Trong thời gian này, tôi tiếp tục chế tạo ra 30 máy mới, bán cho các nhà máy xay xát lúa ở Trà Vinh và Vĩnh Long. Tôi và con trai cùng các kỹ sư phải ở suốt dưới các nhà máy tháng này qua tháng nọ để bảo trì máy. Cuối cùng thì cũng thành công, máy không còn lỗi kỹ thuật nữa”, ông Tường nhớ lại.
Đưa sản phẩm xuất ngoại
Cuối năm 2010, ông Tường sản xuất và bán 20 máy với giá 900 triệu đồng (45 triệu đồng/cái) xuống Cần Thơ. Từ đó đến nay, ông Tường tiếp tục sản xuất, bán thêm 300 máy ra các tỉnh phía bắc. Năm 2012, máy ép củi trấu của ông Tường được Bộ Công thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía nam. Hiện tại, ông Tường đã sản xuất ra thêm loại máy ép mùn cưa, vỏ cà phê, đậu, bắp thành củi. Máy ép củi trấu của ông Tường cũng đã xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, như Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia…
Ông Tường cho biết củi trấu từ máy ép do ông sản xuất đang được tiêu thụ rất nhiều trong nước. Lâu nay, một số nước ở châu u cũng đã sử dụng sản phẩm củi trấu. “Củi trấu tỏa nhiệt cao, giá thành lại rẻ nên nhu cầu sử dụng trong các nhà máy là rất nhiều. Hiện nay củi trấu chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu sử dụng trong nước”, ông Tường cho hay. Ngoài ra, ông còn đang nghiên cứu để cho ra đời bếp gas sinh khối dùng củi nén. Bếp này khi sử dụng củi nén không chỉ làm giảm ô nhiễm môi trường mà giá thành chỉ bằng 1/3 so với giá gas hiện nay.
Máy ép vỏ trấu có 3 loại, loại có công suất 200 kg/giờ giá 50 triệu đồng, 250 kg/giờ giá 60 triệu đồng và 500 kg/giờ giá 110 triệu đồng. Điện thoại ông Tường: 0983881179. |
Nguyễn Long
Bình luận (0)